Hơn 10 năm ‘xây nhà’ cho hàng vạn thai nhi

(NĐ&ĐS) - Từ khi nhóm Sức Sống được thành lập, bà Nguyễn Thị Nguyệt cùng các thành viên trong nhóm đã đi thu gom về trên 30.000 thai nhi xấu số về quy tập tại nghĩa trang thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

Người bị ma nhập

12 năm trước khi đã bước sang tuổi 73, nhiều người sẽ chọn ở nhà tận hưởng tuổi già vui cùng con cháu, nhưng với bà Nguyệt, bà lại chọn cho mình một công việc mà không ai tưởng đến.

ms07
Bà Nguyệt hằng ngày vẫn trồng rau, kiếm thêm thu nhập, góp nén nhang bông hoa cho ngôi mộ 3 vạn thai nhi xấu số.

Hành trang của bà rất đơn giản, đó là một chiếc xe đạp và một thùng xốp có chứa đá lạnh, khăn xô. Bà đạp xe tới các phòng khám, bệnh viện ở khắp Hà Nội để xin xác thai nhi kém may mắn đem về an táng tại nghĩa trang của thôn. Những buổi đầu làm công việc này, ai cũng bảo bà bị ma ám hay sao mà lại đi nhặt xác thai nhi về chôn, bà nói “không có ma miếc nào ám tôi cả, chỉ là một lần tôi thấy có người mang nhiều xác thai nhi đổ xuống sông Nhuệ, tôi xót quá, nghĩ rằng đã là một sinh linh thì lúc chết cũng cần phải có nấm mồ nên tôi mới đi thu gom xác thai nhi về để an táng, cốt là để cái tâm được thanh thản chứ không có mục đích gì”.

Thậm chí, đến chính quyền địa phương cũng không tin lời bà nói. Họ cử người theo dõi bà một thời gian. Nhưng rồi, họ chỉ thấy bà đi xin về, rửa kỹ càng và bỏ vào trong thùng lạnh. Sau đó, bà cùng ông Nho, anh Sinh, chị Ất trong nhóm Sức Sống làm lễ rửa tội cho các thai nhi và đặt xuống nấm mộ ở nghĩa trang thôn. Hằng ngày, mọi người trong nhóm thay nhau ra mộ thắp nhang, đặt hoa cúc trắng và nhổ cỏ, các thai nhi đều được bà ghi lại tên tuổi (tên thánh), địa chỉ nhặt về và số lượng trong quyển sổ, đến nay con số này ước tính khoảng 30.000 tên.

Bà kể, nhiều lần thấy thai nhi đã 5 - 6 tháng, hình hài hiện rõ mà lòng tôi xót thương vô cùng. Có lần đứng trực ở cửa phòng, gặp các thai phụ chờ vào phá thai, tôi cố vận động họ đừng bỏ nhưng tỉ lệ thành công rất thấp vì họ đã đến đây thì chắc chắn đã suy nghĩ rất nhiều, có người có thai vì lỡ kế hoạch, có người bị kẻ xấu hãm hiếp nhưng đa phần là ở các bạn trẻ mới lớn chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản rồi không đi đến được hôn nhân.

Trường hợp bà nhớ nhất khi vận động thành công không phá thai đó là của cô sinh viên tên N.T.M ở Hà Nam, năm 2009, cô có thai được gần 30 tuần nhưng gia đình phản đối kết hôn. Cô gái đau khổ nên quyết định bỏ cái thai đi nhưng không đủ tiền bèn nghĩ quẩn. Biết chuyện, bà Nguyệt cùng nhóm Sức Sống đã tìm đến cô gái và khuyên ngăn kịp thời, kêu gọi mọi người quyên góp tiền cho cô gái sinh con, cô gái đã thay đổi ý định. Hiện giờ, cháu bé đã 10 tuổi rất khôi ngô, tuấn tú, thỉnh thoảng hai mẹ con vẫn đến thôn Từ Châu thăm hỏi, cảm ơn bà Nguyệt và các thành viên của nhóm.

Mặc dù vậy, trong suốt những năm qua, tỷ lệ mà nhóm Sức Sống vận động thành công sản phụ không phá thai vẫn là con số khiêm tốn. Bà Nguyệt kể, vận động không phá thai là khâu cứu vớt cuối cùng nên rất khó, vì vậy điều quan trọng nhất là giáo dục về sức khỏe sinh sản cho giới trẻ, hướng thanh niên không sống buông thả và có trách nhiệm hơn thì sẽ hạn chế được tối đa những câu chuyện buồn.

“Ngôi nhà” ấm áp của 3 vạn thai nhi

Các thai nhi mang về đều được an táng chung trong một ngôi mộ. Thời gian tiến hành chôn cất thường về đêm, ngôi mộ được đào sâu 3m, rộng khoảng 5m2 và chôn cất hài nhi theo kiểu xếp hàng gạch sau đó được miết xi măng để giữ độ chắc chắn. Các thai nhi trước khi được đặt xuống đều được rửa sạch sẽ và băng kín làm lễ cẩn thận.

Cùng chúng tôi đi thăm ngôi mộ, đôi mắt bà Nguyệt đỏ hoe và rưng rưng nước mắt. Tấm bia mộ lớn không đề tên bởi vì nếu đề cũng không có chỗ để viết hết. Ngôi mộ ngay ban sáng đã có người đến thắp nhang và để hoa, bà bảo “chắc là cô Ất sáng ra đây đấy, bây giờ tôi già yếu rồi không đi được mấy, có cô Ất, anh Sinh tuy bận nhiều việc mưu sinh nhưng tuần nào cũng bớt một ngày ra để đi thu gom xác thai nhi về đây chôn cất, dần dần hai anh chị sẽ thay tôi và ông Nho quản lý hết sổ sách và công việc trông nom ngôi mộ”.

Ngôi mộ tuy sâu và rộng nhưng đến nay cũng đã kín, bà Nguyệt bảo “tôi đang đề nghị với thôn cho xin một ít đất nữa để “xây nhà mới”.

Hằng ngày, bà Nguyệt trích số tiền lương người cao tuổi ít ỏi để mua hương hoa “nhiều ít mỗi ngày cũng một nén nhang, một bông cúc trắng”. Hỏi về dự định sắp tới của bà, bà cười tủm “tôi chỉ mong mình thất nghiệp vì sẽ không còn ai đi phá thai nữa”.

Ông Nguyễn Tiến Nho, thành viên gạo cội của nhóm Sức Sống cho biết, bà Nguyệt là người đầu tiên nảy ra ý định đi thu gom xác thai nhi về chôn cất, đến nay tôi với bà đã đồng hành được hơn chục năm rồi. Công việc làm theo mệnh lệnh từ trái tim chứ chẳng vì điều gì.

Nguyễn Văn Công

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hon-10-nam-xay-nha-cho-hang-van-thai-nhi-a12690.html