Thiên thần nhỏ dịu dàng
Nguyễn Thu Trang sinh ngày 25/5/1982 tại quê hương xứ Mường xóm Giếng, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngay từ khi còn nhỏ, Trang đã là một cô bé có tấm lòng đôn hậu, biết quan tâm tới mọi người. Cho tới giờ, khi ôn lại kỉ niệm về những năm tháng đó, bà Trần Thị Thu Hoàn (mẹ của Trang) vẫn còn nhớ như in một kỉ niệm nho nhỏ mà bà giữ cho mình cùng niềm hạnh phúc khi dõi theo sự lớn lên của con gái. Đó là khi Trang mới ở cấp tiểu học và con đường từ nhà tới trường của Trang đi qua Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Mỗi ngày tới trường, cô bé đang học lớp 3 Trường Dân Hạ Kỳ Sơn vẫn được mẹ cho 2.000 đồng để mua xôi. Nhưng, cô bé nhỏ đã nhịn bữa sáng, dành phần tiền ăn sáng của mình để buổi chiều đi học về có thể mua chút bỏng ngô đem chia cho các bạn nhỏ trong Trung tâm Bảo trợ. Mẹ Trang chỉ biết việc này khi một buổi chiều có việc tới trung tâm, bà trông thấy con gái mình ở đó và được cô Thức – Giám đốc Trung tâm kể, đã một thời gian, chiều nào Trang cũng mang bỏng tới chia cho các bạn nhỏ. Hỏi con vì sao lại nhịn ăn sáng để mua bỏng ngô, bà nhận được câu trả lời: “Vì con thấy thương các bạn, mẹ ạ”.
Nghe con trả lời, người mẹ cảm thấy vui. Vui vì con mình biết chia sẻ, quan tâm tới các bạn khác ngoài phạm vi trường lớp. Và cũng từ đấy, thi thoảng ngoài tiền ăn sáng, người mẹ lại cho thêm để Trang có thể vẫn mua được bỏng ngô tới thăm những người bạn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Tấm lòng rộng mở, biết lắng nghe và sẻ chia theo năm tháng cũng lớn lên và được bày tỏ theo các góc độ khác nhau. Khi đã là một cô gái trưởng thành, có nghề nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc ở đất nước Thụy Sĩ, thiên thần nhỏ dịu dàng năm nào vẫn hướng về miền đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên với nhiều nỗi niềm trăn trở. Trong những chuyến đi công tác, gặp gỡ những phụ nữ dân tộc còn có cuộc sống vất vả, Trang luôn mong muốn có thể góp một phần nhỏ bé của mình để mang lại niềm vui tinh thần nhiều hơn tới cho họ.
"Mình được đi đây đi đó, được làm việc và được vui mới thấy đời sống của các chị em ở đây còn nhiều khó khăn, vất vả. Nếu có công việc ổn định hơn, thu nhập khá hơn, họ sẽ có nhiều điều kiện hơn để chăm lo cho chính đời sống tinh thần của mình. Chị em mạnh khỏe đã thế, còn chị em không may gặp ốm đau, khiếm khuyết còn khó khăn hơn nhiều. Em mong ước cho dự án "Khôi phục và quảng bá làng nghề theo hình thức sản xuất và phát triển bền vững" mà mình đang thực hiện được thành công, để mong có thể gieo đi nhiều những niềm vui nhỏ nơi những con người thiệt thòi đó", Trang chia sẻ.
Là cựu học sinh của Trường Chuyên Văn Toán Kỳ Sơn và Trường phổ thông trung học Hoàng Văn Thụ (Hoà Bình), Trang cũng như bao bạn trẻ khác, có thật nhiều ước mơ đẹp. Với thành tích học sinh giỏi trong nhiều năm, năm 2000, Thu Trang trúng tuyển vào Đại học Bách Khoa Hà Nội và theo học tại đây 2 năm trước khi sang Paris (Pháp) tham gia chương trình đào tạo về Quản lý Kinh tế - Tài chính. Năm 2010, Thu Trang sang Mỹ làm việc và tiếp tục học tập để trau dồi vốn kiến thức, kinh nghiệm. Năm 2015, Thu Trang rời Mỹ để định cư cùng chồng tại Thuỵ Sỹ và hiện Thu Trang đang làm việc cùng chồng - ông Michael Isenschmid - trong ngành đầu tư tài chính ngân hàng tại thành phố Zurich. Trang thông thạo 5 ngoại ngữ, sống và làm việc ở nhiều nước, châu lục khác nhau trên thế giới. Thiên thần nhỏ năm nào đã là một điển hình của công dân toàn cầu. Nhưng, là một công dân toàn cầu và đang ở thật xa, Trang vẫn luôn hiểu rằng mình là người Việt Nam và luôn hướng về Tổ quốc mình với nhiều mong ước đẹp đẽ.
Đi xa để trở về
Với khao khát được đóng góp cho sự thay đổi tích cực của quê hương, Thu Trang đã thành lập Tổ chức phi chính phủ Keep it Beautiful Vietnam (KIBV) tại Thụy Sỹ và hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng sáng lập, Michael Isenschmid - chồng của Trang - là thành viên đồng sáng lập. Sang tới năm 2017, Tổ chức phi chính phủ KIBV chính thức có chi nhánh hoạt động tại Việt Nam, hiện có trụ sở tại tổ 3 phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Bắt đầu từ tháng 8 năm 2017, KIBV đã thực hiện các hoạt động như: Dự án “Bảo vệ Môi trường, nâng cao ý thức cho người dân không xả rác bừa bãi nơi công cộng, tái chế, tái sử dụng rác thải để bảo vệ môi trường”; Giáo dục cộng đồng dưới hình thức dạy tiếng Anh miễn phí cho đối tượng các em học sinh nghèo trên địa bàn thành phố Hoà Bình; Cứu trợ khẩn cấp đồng bào nơi bị thiên tai bão lũ; Làm từ thiện và hoạt động nhân đạo...
Sống ở đất nước phát triển, có trình độ để nhìn nhận, đánh giá, Trang hiểu rằng để có sự thay đổi tích cực hơn thì cần có hành động cụ thể. Tại sao phụ nữ dân tộc mà Trang đã gặp có nghề thủ công độc đáo trong tay, có các điều kiện khác để phát triển sản xuất lại chưa có cuộc sống ổn hơn, vui hơn? Và Trang hiểu rằng chỉ khi có sự chủ động, được giao quyền làm kinh tế thì những bàn tay tài hoa mới có thể thực sự mang lại hạnh phúc. Vì thế, dù định cư ở Thụy Sĩ nhưng Trang vẫn từng bước góp phần cho sự thay đổi tích cực hơn nơi quê hương nói chung và bộ phận chị em phụ nữ dân tộc đang có trong tay nghề dệt ở Mai Châu nói riêng.
Dự án "Khôi phục và quảng bá làng nghề theo hình thức sản xuất và phát triển bền vững" tại huyện Mai Châu, Hoà Bình mà Trang ấp ủ đã được hình thành và từng bước đi vào hoạt động.
Dự án với mục đích và mong muốn định hướng người sản xuất và người tiêu dùng theo hình thức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường, có ảnh hưởng tích cực cho xã hội. Hơn ai hết, Trang hiểu sản phẩm làng nghề cần được chú trọng các khâu như: Nguyên liệu đầu vào tự nhiên, được trồng bởi người dân địa phương, nguồn gốc đảm bảo, tạo việc làm cho người nông dân, nhuộm tự nhiên (không dùng chất hoá học do đó nước từ quá trình nhuộm sẽ không gây ô nhiễm), dệt tay (không sử dụng máy nên không tốn điện - năng lượng, không sản sinh khói bụi hay C02). Ngoài ra còn yếu tố con người khi hỗ trợ cho nghệ nhân có được cơ hội nâng cao trình độ tay nghề, môi trường làm việc, công việc và thu nhập ổn định. Việc quảng bá giá trị sản phẩm bền vững tới người tiêu dùng cũng chính là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm có giá trị môi trường, con người khi hiện ngành vải và thời trang đang là ngành được đánh giá có tác động ô nhiễm môi trường lớn đứng thứ 2 trên thế giới. Sự góp mặt của các sản phẩm làng nghề, hiểu và đánh giá cao giá trị sản phẩm từ người tiêu dùng cũng là góp phần để làm giảm sự ô nhiễm chung đó. Quê hương Hòa Bình của Trang, những phụ nữ dân tộc mà Trang đã gặp hoàn toàn có điều kiện để phát triển kinh tế bền vững theo hướng này.
Làm tất cả vì một Việt Nam tươi đẹp
Thực hiện dự án "Khôi phục và quảng bá làng nghề theo hình thức sản xuất và phát triển bền vững", Trang thường xuyên trở về Việt Nam. Càng gặp và càng tiếp xúc với các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại Mai Châu, Trang càng có thêm động lực để làm việc, để cố gắng. “Làm việc không chỉ vì mình thấy vui mà còn vì niềm vui của những người khác”, Trang nói.
Hiện, dự án bước đầu đã có những thành công đáng kể. Cùng với việc tổ chức, hỗ trợ sản xuất cho các nghệ nhân dệt tại làng nghề Mai Châu, Thu Trang đã hiện thực hóa dự định đưa sản phẩm của chị em phụ nữ người dân tộc tới rộng hơn với các vùng miền và quốc gia khác.
Tháng 10/2019, Thu Trang trở về Việt Nam, cùng các cán bộ, tình nguyện viên của tổ chức KIBV đã tham dự chương trình Én xanh - chương trình tôn vinh những sáng kiến vì mục tiêu phát triển bền vững diễn ra vào ngày 25 – 26/10 tại Hà Nội được tổ chức bởi: Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP), Liên Hiệp các Hội khoa kọc và Kỹ thuật Việt Nam (VISTA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP). Nhờ vào những tác động xã hội mà dự án khôi phục làng nghề của KIBV đang triển khai tại Mai Châu, Thu Trang cùng KIBV đã được tặng khen và ghi nhận cho sáng kiến: “Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, tăng quyền kinh tế cho phụ nữ.”
Để giúp sản phẩm dệt có đầu ra ổn định hơn, Thu Trang đã mang các sản phẩm dệt thủ công thân thiện với môi trường với sự hỗ trợ của dự án trong các khâu sáng tạo, phát triển sản phẩm mới sang Thụy Sỹ. Vào 17/11/2019, các sản phẩm KIBV mang về Thụy Sĩ đã tham dự hội chợ về sản phẩm bền vững (các sản phẩm có xuất xứ thân thiện môi trường và có ý nghĩa xã hội) tại thành phố Zurich. Hội chợ được tổ chức bởi đơn vị Pop Up Market Schweiz – Thụy Sỹ với mục đích quảng bá hình ảnh các sản phẩm bền vững đến từ các đơn vị, tổ chức có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về bền vững như: thân thiện môi trường, tạo ra các tác động xã hội. Hơn 100 đơn vị và hàng ngàn khách địa phương và quốc tế đã tham gia hội chợ.
Ngay sau thành công tại hội chợ ở Thụy Sĩ, ngày 20/11, một số sản phẩm thiết kế mới của dự án đã được trưng bày tại tuần lễ Di sản văn hoá tại Hoa Lư- Hà Nội với hi vọng sẽ nâng cao hình ảnh và giá trị của các sản phẩm làng nghề Mai Châu. Các hoạt động xây dựng và quảng bá sản phẩm sẽ tiếp tục được KIBV chú trọng để hình ảnh sản phẩm làng nghề sẽ có một chỗ đứng và vị thế xứng đáng trên thị trường cả trong nước và quốc tế.
Nguyễn Hồng Nhung
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/co-gai-xu-muong-mong-muon-gieo-niem-vui-cho-phu-nu-viet-a12688.html