Những câu chuyện cảm động về các cá nhân: Thiếu tá Lê Hải Ninh và anh Dương Hồng Quý tại tỉnh Ninh Bình hiến tạng cứu người đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc hiến mô, tạng nhân đạo.
Tại tỉnh Ninh Bình, những việc làm này đã góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý.
Đến nay, Ninh Bình là một trong những tỉnh dẫn đầu trong cả nước về phong trào hiến tặng mô tạng, góp phần lan tỏa thông điệp "Cho đi là còn mãi."
Lan tỏa phong trào hiến mô tạng
Khởi nguồn từ tháng 4/2007, trường hợp cụ Nguyễn Thị Hoa, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn là người hiến tặng giác mạc đầu tiên của tỉnh Ninh Bình cũng như trong cả nước. Đến nay, qua hơn 10 năm phát động, phong trào hiến tặng mô tạng đã lan tỏa tại nhiều địa phương của tỉnh Ninh Bình.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết, để có được kết quả trên, những ngày đầu, việc tuyên truyền vận động bà con hiến mô tạng gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều người đều hiểu và biết rõ, hiến mô, tạng là hành động cứu người, song không dễ dàng gì thực hiện được bởi có nhiều rào cản, quan niệm từ gia đình, dòng họ và suy nghĩ tâm linh phải "chết nguyên vẹn."
Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô tạng phải dựa trên sự tự nguyện không chỉ của bản thân người hiến mà còn của gia đình, người thân. Vì vậy, cán bộ hội phải tuyên truyền, vận động bằng cách "mưa dầm thấm lâu" không chỉ vận động thông qua các kênh truyền thông mà còn phải đến từng nhà người dân nhiều lần để tuyên truyền giúp mọi người hiểu được hiến mô tạng có ý nghĩa to lớn, có thể thay đổi được cuộc đời của những người bệnh.
Cán bộ hội cũng phải nhờ đến những người đứng đầu, người có uy tín của các tổ chức tôn giáo để giải thích về tình yêu thương, lòng bác ái để tác động đến nhận thức của người dân. Ngoài ra, những tấm gương điển hình trong việc hiến mô tạng đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Từ đó, phong trào hiến mô tạng tại địa phương dần lan rộng.
Nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, Hội đã phối hợp với các đơn vị như Bệnh viện Mắt Trung ương, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức về việc hiến mô tạng cho cán bộ hội và người dân.
Tại những khu vực phụ trách, các cán bộ Hội cùng với tình nguyện viên phải nắm chắc những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh hiểm nghèo để có phương pháp tiếp cận tuyên truyền với từng đối tượng, làm cho nhiều người hiểu ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến mô tạng, làm cho họ không chỉ tham gia mà còn nhiệt tình vận động người thân cùng tham gia.
Đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ, các cộng tác viên đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào bằng chính việc làm thiết thực là đăng ký hiến tặng mô tạng. Ngoài ra, mỗi năm, Hội chú trọng việc biểu dương, khen thưởng những tấm gương, gia đình có người hiến tặng mô tạng và phát động phong trào nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp.
Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã có trên 15.000 người đăng ký hiến mô, tạng trong đó có 235 người đã hiến giác mạc và hai người đã hiến tạng đem lại ánh sáng và sự sống cho hàng trăm người bệnh.
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mỗi người nhận thức được rằng, nếu ai đó quyết định hiến tặng mô, tạng khi không may qua đời, họ sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh góp phần nhân rộng thêm những hành động cao đẹp và lan tỏa thông điệp "Cho đi là còn mãi."
Thắp lên ngọn lửa nhân ái
Tháng 2/2018, câu chuyện về thiếu tá Lê Hải Ninh, tỉnh Ninh Bình hiến đa tạng cứu 6 người đã khiến nhiều người xúc động. Đến cuối năm 2018, anh Dương Hồng Quý, tỉnh Ninh Bình là người tiếp tục thắp lên ngọn lửa nhân ái bằng việc sau khi qua đời đã hiến tặng 7 mô, tạng cho 6 người bệnh. Những tấm gương như thiếu tá Ninh và anh Quý đã giúp nhiều người thay đổi nhận thức về việc hiến mô tạng. Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Ninh Bình đã đón hàng chục người dân đến đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời.
Chị Nguyễn Thị Hoa, thành phố Ninh Bình chia sẻ, trong quan niệm từ bao đời nay, chết phải được nguyên vẹn. Quan niệm này đã ăn sâu vào tiềm thức, do vậy, muốn thay đổi được không phải một sớm một chiều. Bản thân chị cũng thế, trước đây, chưa bao giờ chị từng nghĩ mình sẽ hiến mô, tạng nếu không may qua đời.
Tuy vậy, thời gian qua, được nghe các cấp Hội Chữ thập đỏ của tỉnh tuyên truyền, đồng thời, những tấm gương cụ thể giữa đời thường như bé Hải An ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời ở tuổi lên 7; thiếu tá Lê Hải Ninh và rất nhiều tấm gương khác đã thực sự làm thay đổi nhận thức của chị. Từ đó, chị đã cùng bạn bè tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.
Đối với chị Phạm Thị Huê, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, gia đình khó khăn, mưu sinh bằng nghề buôn bán tại chợ Đồng Giao, thành phố Tam Điệp. Tuy nhiên, chị Huê vẫn bỏ một buổi chợ để dành thời gian đến buổi lễ phát động hiến mô tạng để đăng ký tham gia hiến mô tạng sau khi qua đời.
Chị Huê tâm sự, việc đăng ký hiến tặng mô tạng đã được chị chia sẻ với gia đình và một số người bạn. Nhiều người ủng hộ chị nhưng cũng có ý kiến gièm pha.
Tuy nhiên, chị Huê cho rằng: "Tôi chỉ nghĩ, nếu mình chẳng may qua đời, giúp được ai cái gì thì giúp. Tôi vẫn tâm niệm rằng 'cứu một người phúc đẳng hà sa.' Tôi thấy nếu chết cũng không mang đi được gì nên nếu như mô tạng của tôi có thể giúp mang lại sự sống cho nhiều người khác, tôi sẽ tặng hết."
Người ra đi tiếp sức niềm tin cho người ở lại. Người ở lại tiếp tục truyền cảm hứng đến với những người xung quanh mình. Đó là những tấm gương bình dị góp phần lan tỏa thông điệp "cho đi là còn mãi" và ngày càng nhân rộng thêm những hành động đẹp.
Theo Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lan-toa-phong-trao-hien-tang-mo-tang-cho-di-la-con-mai-o-ninh-binh-a12614.html