Theo chân bà Nguyễn Thị Nhiên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hiệp, chúng tôi tìm đến “xóm đồng bào dân tộc thiểu số” của xã. Xóm đồng bào dân tộc thiểu số của xã Tân Hiệp sống tập trung và đông nhất là tại ấp 2, dọc tuyến đường Cống Triết; với khoảng 20 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Tày. Cả xóm với 20 hộ dân sinh sống, thì đến nay đã có 7 hộ dân, với 14 người cùng tham gia phong trào hiến máu tình nguyện do địa phương phát động.
Thấy khách đến chơi, chị Lương Thị Hương, 49 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương tay thoăn thoắt dọn dẹp bàn, lấy nước mời chúng tôi. Giọng chất phác, pha lẫn chút lơ lớ khi nói chuyện, chị Hương cho biết, gia đình chị có 5 người, nhưng có 3 người cùng tham gia hiến máu tình nguyện, đó là vợ chồng chị, cùng người con lớn. Dù chỉ mới tham gia hiến được mỗi người hai lần, nhưng với chị việc hiến máu tình nguyện hết sức có ý nghĩa.
Theo chị Hương, khi tham gia hiến máu tình nguyện, ngoài nghĩa cử là để chung tay, góp sức cứu người khi cần thiết thì việc tham gia hiến máu cũng có rất nhiều lợi ích như được thay máu thường xuyên, được kiểm tra sức khỏe, được biết được một số bệnh có liên quan đến việc xét nghiệm máu để sớm có thể điều trị tốt hơn. “Lần đầu tiên khi nghe theo mấy anh chị em trong xóm rủ rê, tôi cũng rất hồi hộp, lo không biết mình có hiến được không, rồi khi lấy máu mình có bị choáng hay không. Suy nghĩ đó theo mình cho đến cả lúc nằm lên ghế để lấy máu. Chỉ đến khi mấy anh lấy máu nói mình đã xong, có thể về được, lúc đó mình mới thật sự tin rằng hiến máu không có hại. Sau lần đó, mình về khoe với chồng, con rồi cũng rủ chồng và con cùng tham gia. Mỗi năm vợ chồng, con cái mình tham gia không nhiều chỉ một hoặc hai lần. Thấy hiến máu có lợi ích, nên mình về rủ thêm cả chị chồng và cháu của chồng. Rồi sang hàng xóm ngồi lân la, tám chuyện và rủ thêm được một số người cùng tham gia. Đến nay, trong xóm của mình đã có 7 gia đình tham gia, mỗi gia đình tham gia 2 người. Ngoài ra, còn một số chị em, hoặc mấy cháu cũng tham gia”, chị Hương chia sẻ.
Cùng chung suy nghĩ với chị Lương Thị Hương về lợi ích của việc tham gia hiến máu tình nguyện, chị Đàm Thị Cánh, 51 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo kể lại “sự tình” tham gia hiến máu. Chị Cánh cho biết: Mình là chị chồng của chị Lương Thị Hương, một lần chị em ngồi nói chuyện vui, Hương rủ mình tham gia hiến máu tình nguyện. Ban đầu mình cũng lo lắng, nhưng khi nghe Hương và cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã xuống vận động và mình quyết định tham gia hiến máu tình nguyện. “Khi tham gia hiến máu mình cảm thấy rất vui, vì mình có thể đem một phần sự sống trong cơ thể mình để đem lại sự sống cho người khác. Đó là tình nghĩa con người, đồng bào yêu thương nhau”, chị Cánh tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Nhiên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hiệp cho biết: Bà con đồng bào dân tộc rất chân chất, thật thà. Thấy việc gì có lợi ích cho bản thân, gia đình, cộng đồng, cho người khác là tham gia không cần toan tính, suy nghĩ. Tuy nhiên, khi bà con tham gia một việc gì đó, thì phải thấy được việc làm đó cụ thể như thế nào. Phong trào hiến máu của xã hiện nay đã lan tỏa được trong nhiều người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương cũng xuất phát từ những việc làm thiết thực, những con người thật, việc thật. Tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của đồng bào dân tộc ở xã hiện nay có anh Hứa Trần Hanh, với 6 lần hiến máu; anh Lưu Ngọc Quý, đã hiến 5 lần…
Với tinh thần sẵn sàng hiến máu tình nguyện tại nhiều hộ gia đình ở xóm dân tộc thiểu số thuộc ấp 2 hiện nay đã góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ phong trào hiến máu tình nguyện trong nhân dân.
Hoài Phương
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lan-toa-phong-trao-hien-mau-tinh-nguyen-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-xa-tan-hiep-a1261.html