Chuyện về chàng kiến trúc sư lặn lội xây 105 điểm trường cho học sinh dân tộc

“Ở đâu có yêu thương, ở đó có hạnh phúc, đó là giá trị cốt lõi của mỗi con người, của mỗi xã hội. Năm 2019, các bạn sẽ được chứng kiến những ngôi trường đẹp hơn và ở những nơi khó hơn đấy”. Đó là chia sẻ và cũng như một lời hứa của kiến trúc sư Phạm Đình Quý đến với các trẻ em nghèo vùng cao.

Cái tên Phạm Đình Quý giờ đã quá quen thuộc với mọi người, đặc biệt với các trẻ em vùng cao. Mặc dù không đứng trên bục giảng, nhưng với nhiều thầy cô, anh được coi là người "giáo viên danh dự", một người "thầy" đặc biệt của trường học. Các em học sinh vùng cao luôn nhớ "thầy" Quý, vì "thầy" là người biến những ngôi trường dột nát, tạm bợ thành những mái trường kiên cố, vững chãi.

IMG_0230
Kiến trúc sư Phạm Đình Quý và các trẻ em vùng cao.

Sinh năm 1972, anh từng có một thời gian dài làm trong công ty xây dựng nhà nước tại Hà Nội, nhưng anh lại nặng lòng với các trẻ em vùng cao. Năm 2013, trong một chuyến chở đồ từ thiện cho các em học sinh Trường Trung Lý (bản Táo, xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa), anh được chứng kiến công cuộc "tìm chữ" của con em dân tộc khó khăn thế nào. Các em học sinh ở đây hầu hết đều là người dân tộc thiểu số Mông, Thái, Mường, Dao…

Nhà nghèo, lại ở rất xa trường, có em ở xa nhất tới 45km đường núi, nên hầu hết đều phải ở bán trú, cuối tuần mới về nhà. Cái gọi là nhà bán trú chỉ được dựng bằng tre nứa tạm bợ, hè không chắn được gió Lào, đông không ngăn được sương muối.

Thức ăn hàng ngày của các em chủ yếu là rau rừng nấu muối, thỉnh thoảng được cải thiện bằng thịt chuột tự săn. Chính điều kiện khó khăn ấy đã hạ gục trái tim của anh và đã thôi thúc anh phải làm gì đó để giúp học sinh nơi đây.

IMG_0297
Điểm trường Khuổi Bốc (xã Xuân La, huyện Pặc Năm, tỉnh Bắc Kạn) sau khi được xây mới.

Tính đến nay, anh đã gắn bó với công việc này được hơn 5 năm và xây thành công 105 điểm trường cho trẻ em vùng cao, dù ban đầu mục tiêu anh đặt ra chỉ là 100 trường. Để có được thành công này, anh đã trải qua nhiều gian nan, vất vả và phải hy sinh những thứ của riêng bản thân mình, nhưng anh vẫn vui vẻ đón nhận, bởi dù thế nào, anh cũng sẽ tiếp tục đi tiếp trên con đường lý tưởng ấy.

“Đầu tiên thì mình chẳng có dự định xây 100 trường đâu. Ban đầu là chỉ vì thương các cháu mà muốn làm một cái để kỷ niệm với đời làm nghề xây dựng thôi. Sau, thừa tiền thì làm cái thứ 2, thứ 3, rồi nhiều nữa… Khi được các nhà hảo tâm tin yêu, đồng thời thấy mình có đủ khả năng để làm tốt việc này nên mình đã có ý tưởng làm 100 cái trường. Tất cả cũng đều xuất phát từ tình yêu thương bọn trẻ, từ sự cổ vũ nhiệt tình của các nhà hảo tâm và bạn bè. Đồng thời, facebook cũng là một lợi thế không nhỏ để lan tỏa tình yêu thương”, anh Quý tâm sự.

Suốt quãng thời gian 5 năm qua, tuy khó khăn là thế nhưng với sự toàn tâm toàn ý với dự án thiện nguyện này, anh Quý vẫn luôn hoàn thành công việc với sự ngưỡng mộ, cảm kích của nhiều người.

Bao nhiêu điểm trường được xây nên là bấy nhiêu kỷ niệm đầy vương vấn trong anh, bởi ngôi trường nào cũng gian nan vất vả, lúc thi công vất vả bao nhiêu thì lúc hoàn thành nó hạnh phúc bấy nhiêu.

Nhưng hình ảnh ngôi trường được xây dựng đầu tiên ở Trung Lý - Mường Lát - Thanh Hóa hoàn thành hiện ra giữa núi rừng, khiến anh không khỏi xúc động, bởi được nhìn thấy thành quả của chính mình, niềm vui sướng của người dân, thầy cô và các em học sinh.

 “Mỗi ngôi trường như từng bước trên chặng đường gian khó, để lúc bước qua ngoảnh lại thấy mình thật phi thường. Giờ thì mình có cảm giác nó chỉ như một trò chơi đối với mình rồi. Ở đâu có yêu thương, ở đó có hạnh phúc, đó là giá trị cốt lõi của mỗi con người, của mỗi xã hội. Năm 2019, các bạn sẽ được chứng kiến những ngôi trường đẹp hơn và ở những nơi khó hơn đấy”, anh Quý chia sẻ.

IMG_0234

Khi tôi hỏi anh, để có được những ngồi trường cho các trẻ em vùng cao, anh thấy mình được và mất những gì? Anh Quý đã chia sẻ rất chân tình: “Cái được, đó là toại nguyện với ước mơ của lòng mình, thấy cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa. Còn cái mất…, mặc dù vợ bỏ nhưng mình thấy đó không phải là mất, có khi đó là cái ngã rẽ để mình đến với con đường thiện nguyện thênh thang hơn. Cô ấy vẫn hạnh phúc bên người chồng khác, con cái vẫn chăm ngoan khỏe mạnh. Đó là bằng người rồi”.

Âm thầm hy sinh để gieo những con chữ cho trẻ em vùng cao, ghi nhận những đóng góp của anh với cộng đồng trong thời gian qua, anh là 1 trong 10 nhân vật được Vinh danh trong đêm  Wechoice Awards 2018 (Nhân vật truyền cảm hứng của năm 2018), đó là sự động viên, khích lệ anh thêm vững bước trên còn đường thiện nguyện.

“Được nhận giải thưởng Nhân vật truyền cảm hứng mà chính mình vẫn tự hỏi là "Ai là người đã truyền cảm hứng cho mình nhỉ?". Đúng là cuộc sống khó khăn của các em nhỏ vùng cao đã thôi thúc tôi, nhưng nếu không được các nhà hảo tâm ủng hộ, các bạn bè tiếp sức và cổ vũ thì tôi sẽ không bao giờ có được thành quả của ngày hôm nay. Từ trong trái tim mình, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các bạn. Được nhận danh hiệu đồng nghĩa với việc sẽ nhiều người biết đến mình, đó là điều tốt. Nhưng điều mình quan tâm hơn cả, đó là những người đang và sẽ ủng hộ mình, mình phải làm tốt công việc họ giao phó. Mình phải giữ vững niềm tin, bởi đó là tải sản của mình, của các em học sinh vùng cao nghèo khó”, anh Quý bộc bạch.

Càng ngày anh càng thấy công việc dễ hơn trước, bởi kinh nghiệm, bởi sự tin yêu giúp sức từ các địa phương, các thầy cô giáo và các bạn bè. Mỗi sáng, cứ mở mắt ra chứng kiến công việc tốt đẹp, anh lại tiếp tục bước về phía trước. Dự định của anh cho những ngày tháng tiếp theo thì chẳng có gì khác ngoài việc tiếp tục xây những ngôi trường còn đang dang dở và xây thêm những công trình mới cho các em học sinh vùng cao.

Hành trang bây giờ với anh chỉ còn là sức khỏe. Nếu có một ngày bỗng lăn đùng ra ốm, anh sẽ lấy nụ cười của lũ trẻ làm động lực để vượt qua tất cả. Chỉ cần nhìn thấy sự đổi thay của từng đứa, nhìn chúng hồng hào hơn, béo đẹp hơn, biết bập bẹ vài ba từ tiếng Kinh thôi, cũng sẽ là liều thuốc tinh thần lớn nhất dành tặng anh.

5 năm cho một hành trình thật tuyệt vời và sẽ còn kéo dài mãi mãi. Mong anh có thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ các em nhỏ vùng cao bớt khó khăn.

Hồng Hạnh

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chuyen-ve-chang-kien-truc-su-lan-loi-xay-105-diem-truong-cho-hoc-sinh-dan-toc-a12516.html