“Nhà cháo” – nơi san sẻ yêu thương
02 giờ sáng, tôi có mặt tại “Nhà cháo” – cái tên mà bà con thường gọi Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện đa khoa Tân Châu cho dễ nhớ. Mọi người vẫn tất bật chuẩn bị rau củ, cơm nước, củi lửa để nấu ăn phục vụ miễn phí cho bệnh nhân nghèo và thân nhân người bệnh.
Tiếng bếp núc cứ vang lên liên hồi cùng tiếng cười nói rộn rã phá tan không gian màn đêm yên tĩnh. Công việc này đã trở nên thân thuộc đến lạ kỳ đối với những người nơi đây. Mỗi người một tay hối hả để kịp có hàng trăm suất cơm ấm lòng.
Bà Nguyễn Thị Nhường đã đến tham gia từ những ngày đầu tiên thành lập Nhà cháo. Tới nay đã gần 25 năm gắn bó với nơi này, bà Bảy Nhường (cái tên yêu thương mọi người hay gọi bà Nhường – PV) không bao giờ quên được những khó khăn ngày đầu phải đi xin từng ký gạo, từng cây củi, từng lít nước để phục vụ bà con nghèo. Cứ như thế, từ dăm bảy phần cháo tăng dần lên đến một cơ sở bề thế như ngày hôm nay.
Cách đó một gian bếp, ông Phan Văn Khạo với dáng người nhỏ nhắn loay hoay trút bao gạo mới vào thùng. Năm nay đã hơn 80 tuổi những vẫn thích đến nhà cháo phục vụ. Vì ông coi nơi đây như nhà, những người khác như anh em ruột thịt và coi người nghèo khó như con cháu của mình. Ông vừa dọn đồ ăn vừa nói, “Hôm nay gồm món tàu hũ chiên sả, tàu hũ kho tiêu, mì xào và dưa muối. Phải nêm cho ngon, nấu cho đậm đà, để bà con bệnh nhân ăn nhiều mau khỏe”. Câu nói ấy khiến người nghe thật ấm lòng.
Hơn 5 giờ sáng, tất cả đồ ăn đã hoàn tất, nồi cơm nóng hổi cũng xong. Ông Khạo cùng mấy người nữa dọn mâm cơm nhỏ để mọi người ăn lót dạ. Một bà đã lớn tuổi cất tiếng nói: “Bà con tới rồi kìa… Tranh thủ mỗi người một tay đem đồ ăn ra phía trước nhà cháo”. Mọi người lùa vội chén cơm rồi xông xáo làm công việc của mình. Chả ai phân công ai, cứ thấy việc gì mình làm được thì làm cho nhanh.
Cứ như vậy, các suất cơm được chuyển đến tận tay của thân nhân người bệnh trong sự vui vẻ của mọi người. Cầm trên tay phần cơm của mình, chị Võ Thị Thúy – ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết, nhờ có những phần cơm nơi đây mà gia đình đỡ được rất nhiều chi phí. Nhưng quan trọng hơn nữa là khi đến đây chị được mọi người đối xử như bà con ruột thịt. Ai ai cũng niềm nở, tận tình làm cho chị thấy ấm lòng.
Cứ thế, mỗi tháng Nhà cháo đã cấp miễn phí hơn 4.000 phần cơm với số tiền hàng chục triệu đồng. Tất cả do các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và bà con nhân dân đóng góp.
Để có được như ngày hôm nay phải kể đến công lao ông Nhan Hồng Huýnh, người sáng lập và cũng là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa Tân Châu.
Ông Huýnh kể, thời bao cấp trong một lần đi thăm người thân tại Bệnh viện đa khoa Tân Châu, thấy nhiều bệnh nhân và người nhà khó khăn đến mức thiếu cả cháo trắng, nước sôi. Từ đó, ông trăn trở phải làm một việc gì đó để giúp đỡ thân nhân, bệnh nhân. Hàng ngày, dưới mái che vỏn vẹn 4 m2, 6 cục đá làm đường kê lên thành 2 bếp, 1 bếp nấu cháo, 1 bếp nấu nước sôi phục vụ cho bệnh nhân và thân nhân nghèo. Ông cùng một số thành viên của Hội đi vận động tiểu thương, mạnh thường quân từng kg gạo hỗ trợ cho hội hoạt động được lâu dài.
Sau một thời gian hoạt động với những việc làm ý nghĩa nhiều người dân đã tự nguyện đóng góp gạo, tiền mặt để chung tay giúp đỡ gia đình bệnh nhân nghèo. Không chỉ nấu cơm, cháo và nước sôi để phục vụ người nghèo, thấy những hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn tiền bạc chữa trị, ông cầm lòng không đặng, rồi lại tìm cách giúp đỡ.
Ông Nhan Hồng Huýnh huy động các anh em trong hội mỗi người bỏ ống 10.000đ/tháng để giúp đỡ viện phí, thuốc men, tiền chuyển viện cho bà con nghèo. Ấy thế mà đã 30 năm nay mô hình này vẫn duy trì điều đặn và phát triển không ngừng. Số tiền và số lượt người được giúp đỡ không thể nào nhớ nổi.
Uống ngụm trà nóng rồi ông kể tiếp, nhận thấy những người bệnh bị tai biến được xuất viện về nhà cũng gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, ông cùng một số thành viên trong Hội vận động mạnh thường quân khắp nơi cộng thêm số tiền tích lũy mua hơn 2 công đất, xây dựng phòng khám nhân đạo. Những con người “bao đồng” nơi đây lại tiếp tục đi xin từng viên gạch, từng bao xi măng để hoàn thành tâm nguyện. Chả ai nề hà bất cứ việc gì, hễ ở đâu đồng ý hỗ trợ là có người tình nguyện đến tận nơi nhận về. Cứ như thế, từng dãy phòng khang trang được hình thành với những trang thiết bị hiện đại. Mới đây nhất, dãy nhà số 5 khang trang đã được khánh thành và đưa vào sử dụng với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Lặng lẽ giúp bệnh nhân nghèo
Đội ngũ các y, bác sĩ đã về hưu cũng đến tham gia khám, chữa bệnh tại phòng khám nhân đạo. Nhiều kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao cũng tình nguyện chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Đã hơn 10 năm phục vụ tại phòng khám, lương y Trần Thanh Vân vẫn tận tụy với nghề dù không có bất cứ thù lao nào. Ông vẫn miệt mài nghiên cứu những cách điều trị bệnh hiệu quả cho bệnh nhân. Bởi với ông, kiến thức là mênh mông vô tận. “Nhìn những bệnh nhân vật lộn với bệnh tật, “lương y như từ mẫu” thì làm sao ngồi yên được”, ông Vân nói.
Hiện nay tại phòng khám nhân đạo thị xã có gần 40 bệnh nhân đang nằm điều trị. Mỗi người ở mỗi nơi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng có điểm chung là gia đình khó khăn lại bị bệnh tật.
Bà Nguyễn Thị Mộng (ngụ xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) có chồng bị tai biến đã nhiều năm. Vì lo chạy chữa khắp nơi cho chồng nên kinh tế gia đình giờ khánh kiệt. Nghe bà con giới thiệu, bà cùng chồng đến điều trị và tá túc tại phòng khám nhân đạo.
Qua thời gian được đội ngũ y, bác sỹ y học cổ truyền tận tình cứu chữa, việc vận động của chồng bà có nhiều tiến triển. Trong thời gian tá túc tại đây, bà phụ tiếp mọi người trong phòng khám các công việc lặt vặt. Bởi bà thấy rằng, ơn nghĩa mà những người tử tế nơi đây đối với gia đình bà quá lớn.
Ngoài sân, dưới cái nắng gay gắt, các ông bà đang tất bật mang thuốc nam ra phơi. Ông Lê Văn Mách vừa lau mồ hôi nhễ nhại vừa cười tươi cho biết, ông đã tham gia rất nhiều công tác từ thiện xã hội như cất nhà từ thiện, làm cầu giao thông nông thôn, có khi theo anh em đi sưu tầm thuốc nam. Giờ lực bất tòng tâm, ông vào đây để góp sức mọn giúp đời. Ông chỉ mong sao có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ cho bà con nghèo.
Ông tâm niệm, bệnh tật là điều ai cũng phải chịu trong đời, nên khi còn khỏe mạnh hãy giúp đỡ nhiều nhất có thể. Đó cũng là cách chia sẻ nỗi đau với những người khó khăn trong cuộc sống.
Khi được hỏi, ông cảm thấy vui nhất khi nào. Ông chỉ tay vào những bệnh nhân ở phòng vật lý trị liệu rồi nói: “Sau khi khỏi bệnh, họ chào tôi để về nhà!”. Tình người quý nhau chỉ đơn giản có thế, những người tử tế nơi đây cứ âm thầm giúp đời mà chẳng màng đến lời cảm ơn.
Đến gần trưa, hướng nhà bếp cũng rộn rã tiếng cười, mọi người đang nếm thử đồ ăn chay trong một chiếc chảo to tướng. “Như này là ngon rồi... Chuẩn bị dọn ra để chút bà con đến nhận cơm về phòng ăn”. Tiếng của bà Trần Thị Ương như đang thúc giục mọi người khẩn trương chuẩn bị buổi cơm trưa. Công việc này với bà đã lặp đi lặp lại trong suốt 15 năm dài. Bà cũng không biết vì sao mình có thể làm lâu đến như thế. Chỉ biết rằng, cứ thấy hoàn cảnh của những người vào phòng khám điều trị mà bà xót lòng. Có những lúc vận động kinh phí khó khăn, các bà còn phải bỏ tiền túi ra để có thêm những phần cơm đầy đủ.
Việc thiện nguyện của những người tử tế nơi đây chưa bao giờ là đủ. Bởi càng làm từ thiện lâu, càng phát hiện ra nhiều cảnh đời bất hạnh. Ông Nhan Hồng Huýnh tâm sự, ông và các thành viên tiếp tục vận động mua 3 chiếc xe cấp cứu chuyên dùng trị giá trên 2 tỷ đồng chuyển bệnh miễn phí cho người nghèo. Bệnh nhân chẳng may qua đời cũng được ông cùng các thành viên hỗ trợ chi phí chôn cất. Những chiếc xe lăn, xe lắc được mạnh thường quân đóng góp cho hội cũng được ông trao lại cho người tàn tật nghèo.
Họ, những con người tử tế nơi đây hằng ngày cứ đến làm những công việc quen thuộc bằng cả tấm lòng thương người. Dù vất vả và thầm lặng nhưng với mọi người đó là niềm vui trong cuộc sống. Những việc làm của họ đã thực sự tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần cùng với chính quyền địa phương chung tay chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn thị xã.
Đây là bài dự thi cuộc thi viết "Tôi tình nguyện" do Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên C.P. Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 33 năm Ngày Tình nguyện viên Quốc tế, nhằm tôn vinh và ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa của những cá nhân – đơn vị đang ngày đêm hết mình tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng.
Link: http://baonhandao.vn/nhan-ai/phat-dong-cuoc-thi-viet-toi-tinh-nguyen-15664
Dương Hiển Khương Duy
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-nguoi-lang-tham-giup-do-benh-nhan-ngheo-a12476.html