'Tấm lòng vàng' của những tình nguyện viên đa năng

(NĐ&ĐS) - Họ là những người dân quê miền núi, ngày ngày bộn bề với bao vất vả lo toan cuộc sống. Thế nhưng, họ vẫn luôn sẵn sàng gác lại bao việc riêng chung làm thiện nguyện giúp đời.

Suốt 10 năm qua, Đội tình nguyện viên Đội Chữ thập đỏ Tân Hòa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đi biểu diễn văn nghệ, làm tương, rửa xe máy, xe ôm, gói bánh chưng, vận động quyên góp, cho thuê phông bạt, xin đồ dùng, quần áo cũ về sửa chữa…Những đồng tiền, vật dụng gom góp nhanh chóng được chuyển đến biết bao mảnh đời bất hạnh.

2
Đội tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn.

Những mô hình nghĩa tình

Ngồi bên cạnh bà Đặng Thị Chút, 72 tuổi, tổ Kỳ Lâm (thị trấn Sơn Dương) ai nấy đều cảm nhận được niềm hạnh phúc ánh lên gương mặt già nua ấy. Bà bảo, mọi thứ cữ ngỡ như mơ. Trước đây, gia đình bà ở tạm bợ trong căn nhà tranh ọp ẹp, gặp trận mưa là dột tứ tung. Cuộc sống vất vả, một mình chăm sóc con trai bị bệnh thần kinh và chồng ốm đau liên miên. Quanh năm chật vật lo miếng ăn, thuốc men chữa bệnh, chưa bao giờ bà dám nghĩ đến điều lớn lao nào khác. Vậy mà nay đã có được một  căn nhà xây kiên cố, khang trang.

Được biết, căn nhà bắt đầu xây và hoàn thành trong 2 tháng với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng. Đó là, kết quả của tháng ngày các tình nguyện viên Đội Chữ thập đỏ Tân Hòa bền bỉ đi vận động quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm. 

Gia đình bà Đặng Thị Chút là một trong hàng trăm trường hợp nhận được sự giúp đỡ của Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tân Hòa. Những tình nguyện viên có người còn trẻ khỏe, có người già yếu và cũng cả người tật nguyền. Thế nhưng suốt 10 năm qua, bước chân của họ vẫn nhiệt huyết, bền bỉ để mang đến niềm vui cho những số phận kém may mắn hơn mình.

3
3 (2)
Mô hình “Thùng gạo nhân ái” của Đội nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.

“Thủ lĩnh” của đội là ông Trịnh Đình Bồng. Người đàn ông ngoại thất thập này rất có duyên ăn nói và nhiều tài lẻ. Ông bảo, trước đây nhiều người trong đội vốn là “văn công nghiệp dư” thường đi biểu diễn văn nghệ. Những lần đến các bản làng xa xôi, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ ai nấy đều xót xa thương cảm. Các thành viên trong đội đã đồng lòng ủng hộ số tiền “cát xê”. Lần 1, lần 2 rồi lần 3, lần 4… Vậy là, hành trình đến với những việc làm thiện nguyện của đội văn nghệ bắt đầu từ đấy.

Cái tên Đội tình nguyên viên Chữ thập đỏ Tân Hòa đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Thế nhưng, nhiều người vẫn thích thú gọi với cái tên trìu mến “đội từ thiện đa năng”. Bởi ngoài hát để làm từ thiện thì họ còn biết làm rất nhiều nghề.

Suốt 10 năm qua, để có nguồn lực hoạt động, các tình nguyện viên đã trở thành những người đầu bếp, nhân viên rửa xe, người bán hàng, thợ điện, thợ may… một cách khá chuyên nghiệp.

Cụ thể, như việc làm tương, mỗi người sẽ phụ trách một công đoạn: người chuẩn bị đậu tương, làm mốc, người ngâm đậu rồi người ngả tương, đóng chai... Hàng sản xuất ra đến đâu là có người đi chào hàng, bán hàng đến đấy. Tất cả đều có quy trình rõ ràng.

Việc tặng đồ dùng cũ cũng được thực hiện theo tuần tự. Bắt đầu từ việc đi xin vật dụng cũ như nồi cơm điện, quạt điện, bếp ga... Sau đó mọi người thay nhau phân loại sửa chữa, vệ sinh sạch sẽ rồi mang tặng những gia đình khó khăn.

Bên cạnh đó, nắm bắt thị trường hiện nay, Đội còn làm và bán thêm bếp tiết kiệm củi. Biết được mục đích kinh doanh từ thiện nên người dân khắp nơi ủng hộ; khách ra, khách vào tấp nập. Có được nguồn thu là lại có thêm kinh phí để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế các mô hình này thấm thoát đã 10 năm mà các tình nguyện viên vẫn còn háo hức với nhiều dự định mới.

Lan tỏa nghĩa tình

Ban đầu, Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tân Hòa có 17 thành viên. Hiện nay có 42 thành viên, xuất thân vốn là những người nông dân, công nhân, công chức về hưu, tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ.

Trong đó, có người cũng vừa mới thoát nghèo. Trước đây, gia đình tình nguyện viên Đặng Thị Dinh thuộc hộ nghèo, chồng cờ bạc, nợ nần. Sau đó vợ chồng ly hôn, một mình chị nuôi hai đứa con. Cuộc sống giờ đây ổn định hơn, nhưng trải qua năm tháng đó chị thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của những mảnh đời bất hạnh. Chị làm tình nguyện viên được 2 năm nay. Chị chia sẻ: “Các cụ bảo “lá lành đùm là rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, bất cứ ai cũng có thể làm từ thiện, đâu cứ phải giàu có mới làm được đâu”.

Đó cũng chính là phương châm hoạt động của các thành viên trong đội. Ông Nguyễn Văn Tý từng bị tai biến nhẹ, đôi chân tập tễnh, di chuyển khó khăn. Suốt 10 năm qua, ông vẫn bền bỉ đi xin quần áo cũ, đi tìm kiếm những “mạnh thường quân” để ủng hộ người nghèo. Hay như cụ bà Nguyễn Thị Gái năm nay ngoài 80 tuổi. Thế mà nghe đâu có mảnh đời cơ nhỡ là cụ lại tất tả ngược xuôi cùng các thành viên trong đội đến quan tâm, giúp đỡ. Bà cũng sẵn sàng trích một phần trong đồng tiền lương của mình để làm từ thiện.

Chính tấm lòng chân thành của các tình nguyện viên đã “lan tỏa” nơi nơi. Chả thế mà giờ đây, nhiều lúc cơ sở từ thiện ông Bồng tấp nập người ra, kẻ vào tìm đến ủng hộ quần áo, chăn màn, đồ dùng cũ. Bà Lý Thị Hữu cho biết, nhiều thợ may, thợ điện tự nguyện nhận quần áo, đồ dùng cũ để sửa miễn phí. Ai nấy đều nhiệt thành, hăng hái tham gia làm từ thiện một cách vô tư.

cta tan hoa
Mô hình “Gói 1.000 bánh chưng Tết tặng người nghèo” của Đội được thực hiện hàng năm.

 

 

Năm 2009, mô hình “Bánh chưng tặng người nghèo” của Đội ra đời, nhận được sự ủng hộ của người dân và chính quyền nơi đây. Số lượng bánh chưng hàng năm phụ thuộc vào số tiền, gạo ủng hộ nhiều hay ít. Nhưng năm nào lượng bánh cũng tăng lên. Trước đây, số bánh chỉ có 200- 300 chiếc nhưng nay đã lên đến hàng nghìn chiếc.

Hiện nay, Đội có 29 nhà tài trợ thường xuyên và hàng trăm các nhà hảo tâm, tấm lòng vàng nhân đạo trong và ngoài tỉnh (Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam…). Nhờ đó, trung bình mỗi năm Đội tặng hàng nghìn suất quà tới người nghèo trong tỉnh. Bao gồm: tiền, quần áo, chăn màn, vật dụng sinh hoạt, gạo, bánh….

Không những vậy, Đội hiện nhận đỡ đầu 25 địa chỉ nhân đạo. Theo chân những tình nguyện viên, chúng tôi đến thăm một địa chỉ nhân đạo tại thôn Tân Phúc, thị trấn Sơn Dương. Ông Trần Văn Hiểu, một mình nuôi con trai bị bại não và người vợ ốm đau, không còn minh mẫn. Đội đã vận động trợ cấp gia đình với số tiền 240.000đ/tháng.

Ông Hiểu xúc động nói: “Tôi rất cảm động và biết ơn sự quan tâm của Đội tình nguyện viên đến gia đình tôi. Họ thường xuyên tới thăm hỏi, động viên, khi là tấm chăn, khi là manh áo ấm, giúp tôi vơi bớt phần nào sự khó khăn, cơ cực”.

4
Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tân Hòa tặng quà cho địa chỉ nhân đạo Trần Thị Chi, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra, các thành viên trong Đội còn nhận phụ trách đỡ đầu 1 đến 2 địa chỉ nhân đạo. Các tình nguyện viên sẽ thường xuyên thăm nom, qua lại các hộ mình phụ trách để kịp thời hỗ trợ giúp đỡ.

Đã 10 năm nay, tình nguyện viên Lý Thị Hữu phụ trách đỡ đầu gia đình bà Ngô Thị Sinh. Bà Sinh tuổi đã cao, một mình chăm sóc cô con gái ngoài 30 tuổi bị tật nguyền, không thể tự đi lại, mọi sinh hoạt đều phải có người khác giúp đỡ. Bà Hữu thường xuyên lui tới động viên tinh thần, giúp bà Sinh việc nhà cửa, chăm sóc con cái.

Bà Sinh chia sẻ: “Dẫu chẳng phải máu mủ ruột rà, thế nhưng bà Hữu và các tình nguyện viên luôn đồng hành giúp đỡ gia đình một cách tận tình. Quả thực có rơi vào hoàn cảnh khó khăn và được người khác giúp đỡ mới thấu hiểu được tình người như thế nào. Có những ngày cả hai mẹ con đều ốm, các ông bà trong Đội thay nhau chăm sóc ăn uống, thuốc men. Thấy con tôi không đi lại được, Đội đã vận động quyên góp tặng xe lăn. Tôi thực sự cảm động và biết ơn các thành viên trong Đội Chữ thập đỏ Tân Hòa”.

“Tiếng lành đồn xa” một số tổ chức từ thiện lớn trong và ngoài nước đến thăm và ủng hộ. Trong đó, có Đội Chữ thập đỏ của Na Uy không khỏi ngạc nhiên trước tấm lòng vàng của các tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tân Hòa. Những nghĩa cử cao đẹp của họ đã thực sự “lan tỏa”. Hy vọng rằng mô hình tiếp tục được nhân rộng để ngọn lửa nhân đạo thắp sáng muôn nơi.

Giang Lam

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tam-long-vang-cua-nhung-tinh-nguyen-vien-da-nang-a12475.html