Người khóc nuôi người cười…!

Có rất nhiều đứa trẻ khi sinh ra, đã sớm mang những bất hạnh mà tạo hóa đã ấn định - đó là sự khiếm khuyết về cơ thể. Vượt qua nỗi đau ấy, họ - những bậc làm cha làm mẹ cố nuốt nước mắt để cùng con bước tiếp chặng đường phía trước…

“Bất bình thường thành bình thường”

Một vòng quanh cơ sở bán trú của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (TP.HCM), nhiều nhất vẫn là những nụ cười ngây ngô, những động tác khó hiểu của “học viên” . Nhưng một lát sau lại thấy nhẹ lòng, lẫn khâm phục bởi ý chí của cả những đứa trẻ và phụ huynh ở nơi đây. 

nguoi-khoc-nuoi-nguoi-cuoi
Những nụ cười tươi khi biết đến giờ ba mẹ đến đón về.

Trong bộ quần áo bạc màu, đôi quầng mắt thâm đen, hiện rõ nỗi khổ nghèo trên khuôn mặt của ông Huỳnh Cao Trị (56 tuổi, Q.3) khi đến Trung tâm đón con. Ông kể: “Không may mắn như mọi người, vợ chồng tôi cưới nhau 5 năm sau mới sinh được đứa con đầu lòng, chưa kịp mừng thì khi vừa ra đời, cô con gái H Đ T L (năm nay 21 tuổi - PV) nhìn rất “lạ” và bác sĩ kết luận con bị bại não. Gia đình nghèo khổ, vợ chồng nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng rồi chúng tôi vẫn cố vượt qua tất cả để chăm con”.

“Mình không may mắn có con không lành lặn như vậy, chán nản thì chỉ có bỏ cuộc, mà bỏ cuộc đồng nghĩa với bỏ con. Từ năm nó 6 tuổi đến giờ, sáng đưa đi, chiều đón về, vợ chồng thì ăn uống bữa đói bữa no nhưng con tôi kiểu gì cũng phải trọn bữa”, ông chia sẻ thêm.

nguoi-khoc-nuoi-nguoi-cuoi
Niềm vui trong giờ đá bóng.

Chưa hết đau xót với hình ảnh cha con ông Trị, chúng tôi lại quặn lòng khi nhìn cảnh một người mẹ ôm vào lòng đứa con chân tay teo tóp, thân hình uốn éo, đút từng muỗng cháo say nhuyễn cho bữa ăn chiều. Đó là bé C.T.Q.N (21 tuổi), em bị bại não, và vào Trung tâm từ lúc 6 tuổi. 15 năm đưa đón con và cứ đến bữa ăn, gia đình lại đến cho con ăn. Sự khó khăn khi đưa vào miệng, rồi hớt lên từng thìa cháo say, chúng tôi chỉ suýt xoa đứng nhìn mà chẳng dám hỏi người mẹ lời nào, vì hiểu rằng: người đàn bà đang đau thấu cả tâm can.

Bước sang lớp bên cạnh, dù sắp đến ngày sinh nở nhưng chị Lại Thị Ngọc Sương (42 tuổi,Q.Phú Nhuận) vẫn đội mưa để đến đón con đúng giờ. Bé Tăng Thị Anh Tú (12 tuổi) con chị, lâu lâu lại nhìn ra cửa ngóng mẹ cùng nụ cười ngờ ngệch, lâu lâu phát ra những tiếng “ú…ớ” nhưng đủ để lấy nước mắt người đối diện.

Cố nuốt nước mắt vào trong, chị Sương tâm sự: “Con mình bị bại não, trẻ con như vậy không cảm thông thì thôi, vậy mà có người ác miệng bảo do đời cha ăn mặn nên đời con khát nước (!?). Lúc nghe câu đó thấy đau lắm, xót lắm. Nhưng rồi hai vợ chồng động viên nhau rằng nỗi đau của người lớn vẫn chưa là gì so với những bất hạnh mà con trẻ đang phải gánh chịu. Con mình mình thương, còn miệng thiên hạ muốn nói sao thì nói. Với tôi, điều bất thường đã thành bình thường”. Quả thật là một suy nghĩ, một ý chí đá của những trái tim mềm, khiến chúng tôi nghe mà cũng cố gượng nước mắt.

Trường hợp của em Nguyễn Văn Cảnh (17 tuổi) có phần khác hơn. Từ Vũng Tàu, Cảnh được ba mẹ gửi lên đây cùng bà ngoại với mong muốn em được chăm sóc trong môi trường phù hợp cùng hy vọng cải thiện tình trạng chậm phát triển trí tuệ. Với cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” này, nhưng trông em chẳng khác một đứa trẻ, phát âm chưa tròn vành rõ chữ, khó khăn lắm em mới nói được tiếng: “Mẹ”. Và, dù nhà chỉ có mấy mẫu ruộng, quanh năm phải đi làm thuê, làm mướn nhưng cứ cuối tuần, ba mẹ Cảnh lại lên thăm con. Còn những ngày trong tuần, ngoài thời gian đến lớp, Cảnh lại được vòng tay của ngoại – bà Nguyễn Thị Tam (66 tuổi) chăm sóc. “Chăm nó thật ra không khó như mấy trường hợp tương tự mà tôi biết, có điều nhìn con người ta rồi lại nhìn cháu mình, chẳng ngày nào mà tôi không khóc”, bà Tam quệt vội nước mắt.

Chăm con trong yêu thương

Trao đổi với bà Trịnh Thị Kim Ngọc – Khoa Giáo dục đặc biêt, trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư TP.HCM cho biết: “Sinh và chăm con bị dị tật, bậc làm cha mẹ thường phải trải qua giai đoạn tâm lí khác nhau: sốc (khước từ sự thật), buồn phiền và giận dữ, đổ lỗi cho mình cho và số phân, mặc cảm với hàng xóm láng giềng, người nhà, bạn bè. Sau đó mới chấp nhận, quyết tâm tìm chuyên gia tham vấn để hiểu về bệnh của con, tìm nhà chuyên môn về y tế, tìm môi trường giáo dục... Nhưng cách nuôi dưỡng con đối với những trường hợp này rất khó khăn. Ví như một đứa trẻ bị tự kỷ gặp vấn đề về vận động, về nhai, về nuốt, bị não bộ, bị thần kinh thì chắc chắn bậc làm cha mẹ sẽ ngủ không tròn giấc từ năm này qua năm nọ”.

Chỉ trong một buổi chiều tại Trung tâm đủ cho chúng tôi thấy được nỗi vất vả khổ cực gấp trăm nghìn lần của họ - những bậc làm cha làm mẹ. Đi cùng nỗi đau là tình thương vô bờ bến, là nghị lực kiên cường của những trái tim bền bỉ nơi đây dẫu biết kết quả là một quãng đường mãi dài.

Và rằng, ở đâu đó bên ngoài những lớp học “đặc biệt” này vẫn có những thân thể lành lặn, may mắn hưởng đầy đủ về vật chất, tinh thần nhưng đôi khi lại là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Trong giai đoạn 2012- 2016, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (TP.HCM) thực hiện đề án chăm sóc gần 400 trẻ mồ côi khuyết tật và 200 trẻ khuyết tật của cộng đồng trên địa bàn TP đang tham gia sinh hoạt học tập tại cơ sở bán trú. Đây là cơ sở giáo dục chuyên biệt, gồm 10 lớp giáo dục đặc biệt và 1 lớp chăm sóc, nhằm giáo dục phục hồi cho trẻ bại não, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, hội chứng down, đa khuyết tật…

T.T

Thu Thảo

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nguoi-khoc-nuoi-nguoi-cuoi-a11925.html