Đam mê công tác cộng đồng
Nguyễn Tuấn Khởi là một nhà hoạt động xã hội nhiều năm kinh nghiệm, sáng lập nhiều mạng lưới tình nguyện vì cộng đồng. Anh luôn trăn trở làm sao có thể huy động được toàn dân tham gia vào hoạt động hiến máu cứu người. Nghĩ là bắt tay vào làm, thế là “Hành trình Đỏ” được ra đời từ đó. Chương trình được tổ chức lần lượt ở các tỉnh thành trong cả nước với sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội. Từ sinh viên, tình nguyện viên rồi diễn viên, người mẫu, hoa hậu… cũng đăng ký tham gia. Từ Hà Nội đến mũi Cà Mau, mỗi năm “Hành trình Đỏ” được tổ chức thường niên và thu được hàng trăm ngàn đơn vị máu.
Anh Khởi cũng được biết đến là một trong những người thành lập mô hình doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2009, khi anh cùng các cộng sự của mình triển khai hoạt động mổ tim ở Quảng Nam mang tên “Vì nhịp tim đất Quảng”, loay hoay mãi không làm được vì thiếu tư cách pháp nhân. Lúc đó, GS-TS Phạm Đức Dương khuyên anh phải lập mô hình doanh nghiệp xã hội. Công ty VTVCorp ra ra đời với số vốn hơn 1 tỷ đồng, tích cóp từ những hoạt động truyền thông, viết báo, làm sự kiện của anh suốt mấy năm ròng.
Doanh nghiệp xã hội như mô hình anh Khởi đang theo đuổi được kỳ vọng sẽ tạo xu hướng kinh tế sẻ chia, như đồ cũ không dùng đến có thể trao đổi với nhau hoặc nông dân chia sẻ nguồn nguyên liệu để tạo thêm sinh kế. Từ đó, nhiều năm liền anh bắt tay triển khai hàng loạt dự án như chiến dịch giải cứu nông sản, chăm sóc cho những người yếu thế bằng việc hỗ trợ thực phẩm cho các trung tâm mái ấm, nhà mở, người vô gia cư…
Thế rồi, khi Covid-19 ập đến, cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Xã hội buộc phải giãn cách để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này có nghĩa là các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động sản xuất trên nhiều lĩnh vực bị đình trệ, người công nhân lâm vào tình trạng mất việc trên diện rộng. Dịch bệnh, đói nghèo hiện ra trước mắt; nhất là với những người có thu nhập thấp, người ly hương lên thành phố kiếm sống, đắp đổi qua ngày trong những căn phòng trọ chật hẹp. Các đối tượng yếu thế khác như trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn, người khuyết tật không chỉ phải hằng ngày chạy ăn từng bữa toát mồ hôi mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị dịch bệnh tấn công bất cứ lúc nào.
Trước thực trạng đó, anh Nguyễn Tuấn Khởi đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức, mạnh thường quân thực hiện các dự án “Tủ lạnh 0 đồng”, “Quán cơm dã chiến” để hỗ trợ suất ăn miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư… Các dự án từ thiện này thực sự giống như những cơn mưa mát lành giữa mùa hạ tưới lên những phận đời còn nhiều khó khăn.
Ngoài hỗ trợ về các suất ăn, anh Khởi còn nghĩ đến những bệnh nhân Covid-19 cần đến sự tư vấn của các y bác sĩ. Nhất là những người thuộc diện điều trị tại nhà, người có bệnh mạn tính cần thăm khám sức khỏe thường xuyên, người không có điều kiện đến bệnh viện trong điều toàn xã hội giãn cách như hiện nay. Anh cùng những cộng sự của mình đã thực hiện dự án “Bệnh viện tại nhà” toàn hoàn miễn phí.
“Bệnh viện tại nhà” hỗ trợ người dân mùa dịch
Hồi tháng 7 vừa qua, anh Khởi đã từng trải qua giai đoạn nguy hiểm khi mắc Covid-19. Mới đầu, anh chỉ sốt và có triệu chứng nhẹ, nhưng tình trạng sức khỏe sau đó biến chuyển rất nhanh. Đau nhức, sốt cao và cơn lạnh khủng khiếp kéo đến. “Trong cuộc đời, chưa bao giờ tôi thấy khó thở, tức ngực như thế, đến nỗi cảm giác như không thể chịu nổi. Tôi nghĩ nếu rối loạn tâm trí, quá lo lắng, chỉ tập trung theo quán tính thấy rét thì trùm mền hoặc rên thì sẽ bị cơn nghẹt thở tấn công vùi dập, quật ngã. Nghĩ vậy nên tôi cố gắng ngồi dậy và tập thở”, anh kể lại thời khắc sinh tử khi chiến đấu với Covid-19.
“Không được rối loạn tâm trí, không được chủ quan để những cơn nghẹt thở kéo mình đi. Trong tình huống “giờ vàng” khi khó thở, phải cố gắng thở sâu, cân bằng nhịp thở, bởi oxy không lên não được sẽ rất dễ hôn mê. Ngoài ra, lúc sốt lạnh không nên co chân, chùm chăn… bởi chùm chăn không có không khí để thở”, anh Khởi đưa ra lời khuyên.
Thấu hiểu những khó khăn, nguy hiểm mà người bệnh Covid-19 đang phải đối mặt, anh Nguyễn Tuấn Khởi đã sáng lập dự án “Bệnh Viện tại nhà” với mong muốn hỗ trợ và đồng hành cùng bệnh nhân Covid cũng như những bệnh nhân khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
CTCP Công nghệ và dịch vụ Y tế số MED-ON là đơn vị điều phối dự án tại miền Bắc, Công ty Cổ phần Doctor Care Việt Nam là đơn vị điều phối dự án tại miền Nam. Dự án có sự đồng hành của Quỹ hỗ trợ từ thiện CP Việt Nam và Tập đoàn Y tế MEDLATEC GROUP.
Với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn sức khỏe tốt nhất cho người dân, dự án đã huy động được một số lượng lớn các y bác sĩ trên toàn quốc tham gia, đặc biệt là các y bác sĩ của Tập đoàn Y tế MEDLATEC GROUP.
Dự án “Bệnh viện tại nhà” không chỉ có sự tham gia của các y bác sĩ, dược sĩ, mà còn có sự tham gia của các tình nguyện viên, luôn sẵn sàng thường trực trên hệ thống Tổng đài 1900 1277 – 028 77777 115 và trên ứng dụng MedOn để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ người bệnh.
Ngoài tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao tại nhà cho người nhiễm Covid-19, người nghi nhiễm, dự án còn cấp phát thuốc tại nhà cho người bệnh, cho mượn bình oxy, kết nối với các cơ sở y tế, bệnh viện trong trường hợp cấp cứu, hướng dẫn người dân khi phát hiện dương tính với Covid-19…
“Bệnh viện tại nhà” được vận hành dựa trên nền tảng công nghệ do Khối công nghệ MED-GROUP (MED-ON, MEDCOM là chủ hoàn toàn), vận hành nên người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về tính bảo mật thông tin cá nhân cũng như tình trạng sức khỏe.
Dự án ra đời chỉ một thời gian ngắn nhưng đã phát huy tính hiệu quả rõ rệt, hàng nghìn bệnh nhân đã được tư vấn trên khắp cả nước. Qua đó góp phần giảm tải cho hệ thống y tế đồng thời hỗ trợ tối đa cho người bệnh về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Để được gặp các bác sĩ của dự án “Bệnh viện tại nhà”, người bệnh có thể nhắn tin, hoặc gọi Video Call thông qua ứng dụng MedOn được cài đặt trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có kết nối internet. Hoặc người bệnh có thể gọi tới tổng đài 19001277 để được tư vấn trực tiếp bởi các bác sĩ giỏi chuyên môn và tận tâm của dự án.
Lê Hoài
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chang-trai-ap-u-giac-mo-cuu-nguoi-va-du-an-benh-vien-tai-nha-ho-tro-nguoi-dan-mua-dich-a11875.html