Đến nhà anh Phạm Văn Nghiêm (thôn Lương Câu, xã Tân Viên, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng) khi xế chiều đang ập đến, lối đi 2 bên còn lởm chởm những đám cỏ dại dẫn vào ngôi nhà cũ nát, vôi vữa bong tróc xuống cấp.
Anh Phạm Văn Nghiêm đang buồn chán, mất hi vọng, mất hết cả nghị lực khi vừa đưa con thứ 2 là cháu Phạm Thị Nhã Phương (sinh 1/2/2020) đi khám ở Bệnh viện nhi Trung ương về. Mẹ cháu Phương là chị Dương Thị Mến đang bồng hát ru con mà con vẫn ngằn ngặt quấy khóc không thôi.
Cháu Phương dù hơn 3 tháng tuổi nhưng cân nặng chỉ bằng bé hơn 1 tháng tuổi. Có lúc ốm khóc còn không thành tiếng, mặt nhăn nhó khó chịu.
Bà nội cháu Phương là Nguyễn Thị Nhàn (63 tuổi) đang nhìn cháu Phạm Văn Đông chơi nghịch ngoài sân mà thở dài thườn thượt. Gia đình nhỏ bé của bà không hiểu vì sao tai nạn cứ liên tục ập đến với từng thành viên khiến gia cảnh ngày càng trở lên khó khăn túng quẫn.
Hơn 10 năm trước, khi sức còn khỏe bà Nhàn vẫn sớm hôm dậy từ 4 giờ đạp xe lên chợ Kênh, xã Quang Trung cách nhà gần 5km để lấy mớ rau, quả chanh, trái ớt về bán lấy đồng rau mắm. Nhưng do đi chợ sớm đường tối bà bị ngã xe nên nằm liệt hơn 1 năm trời. Cả nhà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Năm đó con dâu bà sinh cháu đầu lòng, nhờ niềm vui được bồng bế trông nom cháu mà sức khỏe bà Nhàn dần hồi phục.
Nhưng cháu Phạm Văn Đông đứa con đầu của anh Nghiêm, chị Mến cứ mãi biết nằm mà chẳng biết đi, biết nói, chân cứ mềm oặt. Nay Đông đã 10 tuổi, đang học lớp 3 nhưng nhận thức kém, đi học chỉ mang tính chất hòa nhập.
Bà Nhàn buồn rầu: “Vợ chồng nó vất vả quá, đẻ thằng đầu không được nhanh nhẹn thông minh như con người ta, tôi động viên giục mãi vợ chồng nó mới sinh thì cháu thứ 2 lại thành ra thế này. Càng nghĩ càng buồn mà không biết phải làm sao”. Dường như nỗi đau đã nuốt trọn vào trái tim người bà mảnh mai ốm yếu.
Anh Phạm Văn Nghiêm là lao động tự do, đi xây, đi phụ hồ nhưng do 2 lần ngã giàn giáo liên tiếp nên sức khoẻ kém. Lần đầu khoảng 6 năm trước, khi đi làm xây dựng phải leo cao, không may anh Nghiêm bị ngã giàn giáo từ tầng 3 xuống tầng 2 rồi rơi tiếp xuống tầng 1 suýt mất mạng. Khoảng 3 năm trước anh lại bị ngã lần 2. Ngoài ra anh Nghiêm lại bị tai nạn giao thông, nằm bất tỉnh ở vệ đường trên đường đi làm từ xã Mỹ Đức về, người đi đường phát hiện khênh về nhà cho, may mà mạng lớn nên vẫn còn sống. Nhưng từ đó sức khỏe anh kém và tư tưởng nhiều khi không được thông suốt, hay cùn cáu u uất.
Chị Dương Thị Mến, vợ anh Nghiêm làm công nhân giầy da nên thu nhập cũng chả thấm thoát với một gia đình nặng gánh. Bản thân chị Mến cũng bị tai nạn giao thông phải cắt bỏ một phần lá gan của mình. Anh em 2 bên nội ngoại vô cùng khó khăn nên không giúp đỡ được gì về vật chất.
Bà Nguyễn Thị Nhàn rớm nước mắt: "Chúng nó bảo tôi đi vay lãi lấy tiền mổ tim cho cháu Phương, để khi bác sĩ gọi là có tiền mổ ngay. Vay thì dễ thôi, họ dán tờ rơi nên tôi đi hỏi ướm mấy chỗ rồi, nhưng sau này lấy gì mà trả. Anh em họ hàng đều nghèo khó, đợt vừa rồi vay đi Hà Nội khám chữa anh em cũng đã kiệt. Lần này thì chả biết lấy gì mà cho cháu đi viện…".
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: bà Nguyễn Thị Nhàn, thôn Lương Câu, xã Tân Viên, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. SĐT: 0387672128.
Hoặc: Tạp chí điện tử Nhân đạo và Đời sống, số 68 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Số tài khoản: 126000076237 - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, CN Thành phố Hà Nội. ĐT: 0855 686 655
Lưu ý: Khi chuyển ghi rõ: UH MS23
Nguyễn Huyền
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chau-be-can-su-giup-do-de-duoc-mo-tim-a11867.html