Kỷ nguyên bùng nổ thông tin cùng với sự phát triển các ứng dụng công nghệ đang xóa nhòa các khoảng cách địa lý. T&T Group - một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam đã và đang triển khai hàng loạt dự án đầu tư ra nước ngoài với tư duy “biên giới mềm”.
Vươn tầm sức mạnh
Được thành lập từ năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T, sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn T&T Group đã trở thành một tập đoàn kinh tế hoạt động đa ngành mang tầm vóc quốc tế với 7 nhóm ngành chính: Bất động sản; tài chính và đầu tư; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hạ tầng giao thông, cảng biển và logistic; công thương; khoáng sản, năng lượng và môi trường; y tế, giáo dục và thể thao.
Thế giới đang trở nên phẳng hơn và Việt Nam cũng không ngoại lệ, trở thành một phần của quá trình đó. Việt Nam đã tham gia một loạt các hiệp định như AFTA, WTO, CPTPP và mới đây nhất là EVFTA… để tháo dỡ các rào cản kinh tế bằng chính sách tự do thương mại, giảm thuế. Công nghệ và chính trị thế giới đã hội tụ và điều đó tạo ra một sân chơi toàn cầu, thông qua Internet, cho phép nhiều hình thức hợp tác bất chấp khoảng cách địa lý và cả khoảng cách về ngôn ngữ.
Là một tập đoàn nhanh nhạy với xu thế chung, T&T Group dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đỗ Quang Hiển đang chuyển mình thành một Tập đoàn không chỉ đa lĩnh vực mà còn đa quốc gia.
Ngay từ đầu năm 2018, đại diện T&T Group đã có mặt tại hàng loạt nước trên thế giới để tiếp xúc với các “ông lớn” trong nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến như Liên đoàn doanh nghiệp thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EABU), Tập đoàn Bouygues (Pháp), Tập đoàn Hitachi Zosen, Tập đoàn Mitsui&Co (Nhật Bản), Tập đoàn Boskalis (Hà Lan), Tập đoàn Hanergy (Trung Quốc), Hiệp hội doanh nghiệp HunterNet (Australia), Tập đoàn dầu khí Zarubezhneft (LB Nga)…
Đây đều là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực đang hoạt động. Công nghệ, năng lực quản trị, và cả nguồn vốn là những thứ T&T Group sẽ tiếp cận được khi liên kết với các đối tác này. Từ cuối năm 2018 đến nay, lần lượt thỏa thuận hợp tác hay hợp đồng đã được ký kết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu mà T&T Group đưa ra trong chiến lược mới.
Khai phá những tiềm năng mới
Các công ty con của T&T Group tại Mỹ, Đức, Nga lần lượt được thành lập trở thành cánh tay nối dài của Tập đoàn này tại các thị trường hàng đầu trên thế giới. Thế nhưng, như vậy là chưa đủ, doanh nhân Đỗ Quang Hiển lại đặt ra bài toán mới cho nhân viên của mình.
Ông cho rằng, hợp tác với châu Âu là rất tốt do tiếp cận được nguồn vốn, trình độ khoa học kỹ thuật của các nước văn minh, nhưng hầu hết các tập đoàn trong và ngoài nước đều làm như vậy. Trong khi đó, còn một nơi rất tiềm năng là châu Phi, là nơi chờ T&T Group khai phá về giao thương, xuất nhập khẩu.
Nói là làm, T&T Group đã lập tức triển khai đầu tư tại châu Phi với thị trường đầu tiên là Guinea Bissau với việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh nông sản. Theo đó, từ năm 2018, Tập đoàn T&T Group cam kết nhập khẩu hạt điều thô từ Guinea Bissau với khối lượng khoảng 150.000 - 200.000 tấn/năm.
Tiếp theo là Bờ Biển Ngà - quốc gia Tây Phi hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu lục này. Tháng 12/2018 tại Abidjan (Bờ Biển Ngà), Tập đoàn T&T Group đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà (CCA). Theo thỏa thuận hợp tác, từ năm 2019, Tập đoàn T&T Group thu mua điều thô từ Bờ Biển Ngà với sản lượng lớn, dự kiến 200.000 tấn/năm. Tập đoàn T&T Group cũng dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều ở Bờ Biển Ngà với công suất chế biến nhà máy lên tới 50.000 - 70.000 tấn điều thô mỗi năm.
Phía CCA cam kết sẽ đảm bảo số lượng điều thô đáp ứng nhu cầu của T&T Group theo các điều kiện của thị trường và giám sát việc thực hiện đúng các cam kết giữa T&T Group và các đối tác trong nước.
Và mới đây, ngày 30/7/2019, tại Tanzania, dưới sự chứng kiến của nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ Tanzania, đại diện Tập đoàn T&T Group đã chính thức ký hợp đồng mua 176.000 tấn điều thô Tanzania vụ mùa 2018 với đại diện của Chính phủ Tanzania. Đây là hợp đồng thu mua điều thô lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới từ trước đến nay, mang lại sản lượng điều dồi dào cho ngành điều trong nước, và tạo tiếng vang trên thị trường điều thế giới.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group, tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với châu Phi nói chung là vô cùng lớn. Tuy nhiên, có một rào cản khá lớn là việc thanh toán giữa hai nước đang còn một số khó khăn. Gỡ được rào cản này, giao thương chắc chắn sẽ phát triển, đúng như kỳ vọng của hai Chính phủ.
Châu Á, Mỹ, Đông Âu, Nga bây giờ là châu Phi, việc T&T Group kết hợp với các doanh nghiệp quốc tế là xu thế phù hợp trong thời điểm “thế giới phẳng”. Phát triển kinh doanh không biên giới hứa hẹn sẽ là “lực đẩy” đưa T&T Group vươn xa.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/co-mot-tt-group-khong-bien-gioi-a11708.html