Nhìn từ biến cố Món Huế: Cuộc đua tìm vị trí đắc địa và 3 điểm 'bức tử' doanh nghiệp

Cuộc chạy đua tìm vị trí tốt nhất đã đẩy chi phí lên cao ngất ngưởng và đây được cho là chiếc "dây thòng lọng" bức tử nhiều doanh nghiệp, trong đó chuỗi Món Huế vừa "chết yểu" là một ví dụ điển hình.

Vì sao món Huế "chết yểu"?

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007 và nhận tới 70 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, Công ty Huy Việt Nam từng được xem là người đi đầu trong mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B), nhưng kết cục doanh nghiệp này đang phải đối mặt với khủng hoảng thua lỗ, nợ nần, buộc phải đóng cửa hàng loạt.

Những ngày qua, một loạt nhà cung cấp nguyên vật liệu cho Món Huế đã đến cơ quan công an trình báo, nhóm nhà đầu tư cũng đâm đơn khởi kiện vì bê bối quản trị của doanh nghiệp này.

Một số chuyên gia lên tiếng cho rằng: Vấn đề của Món Huế cũng như nhiều chuỗi F&B (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) là do không giải quyết tốt được vấn đề tài chính, trình độ quản lý và chất lượng sản phẩm.

Phân tích kỹ hơn với Dân trí, ông Lâm Bình Bảo - một chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, nhà sáng lập B Coaching - cho rằng, cạnh tranh trong ẩm thực từ lâu dường như chỉ dựa vào hai yếu tố chính: Ngon và vị trí. Thế nhưng mô hình kinh doanh như thế đã lỗi thời và không đủ sức cạnh tranh.

Món ăn ngon trở thành điểm tương đồng trong ngành, là điều bắt buộc, không thể thiếu và hầu như không có sự khác biệt rõ ràng giữa các quán ăn, nhà hàng. Theo chuyên gia Lâm Bình Bảo, vị trí trở thành niềm hy vọng lớn nhất của doanh nghiệp.

“Cuộc chạy đua tìm vị trí tốt đẩy chi phí lên cao ngất ngưởng và đó chính là dây thòng lọng bức tử nhiều doanh nghiệp nhất. Điểm cạnh tranh tưởng chừng quan trọng nhất trở thành nút thắt cổ chai”, ông Lâm Bình Bảo đặt vấn đề, liệu có bao nhiêu nhà hàng, quán ăn phải từ bỏ cuộc chơi chỉ vì không kham nổi chi phí mặt bằng?

Sự sụp đổ của Món Huế chính là ví dụ cho nhận định trên. Món Huế từng là niềm mơ ước của nhiều thương hiệu Việt với tốc độ phát triển nhanh, sở hữu hàng trăm điểm bán ở vị trí vô cùng đắc địa.

Tuy nhiên, chính thời điểm tăng tốc mở rộng với quy mô lớn cũng là lúc chuỗi nhà hàng này bắt đầu lao đao. Nguyên nhân chủ yếu là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, dù cao cũng không bù nổi chi phí bán hàng quá lớn.

Nhìn từ biến cố Món Huế: Cuộc đua tìm vị trí đắc địa và 3 điểm
Những vị trí đắc địa nhất được Món Huế lựa chọn để kinh doanh

Hai năm 2017, 2018, chi phí bán hàng của Món Huế lần lượt là 162 tỷ đồng và 176 tỷ đồng, chiếm từ 80 đến 90% doanh thu.

Thực tế theo tìm hiểu của PV, với hàng chục cửa hàng rộng từ 200m2, nằm tại các con phố siêu đắt đỏ ở Hà Nội và TP. HCM, ước tính chi phí thuê mặt bằng một năm của Món Huế là cả trăm tỷ đồng.

Đơn cử, tại Cầu Giấy, giá thuê mặt bằng của cửa hàng này là 145 triệu đồng/tháng. Tùy vào diện tích và địa thế, tính trung bình mỗi năm một cửa hàng Món Huế cần chi từ đến gần 2 tỷ đồng thuê mặt bằng. Tại một số vị trí ở trung tâm thương mại lớn, mức chi phí cho mặt bằng rất “khủng” với diện tích lớn như Món Huế sử dụng.

Bộc lộ 3 điểm yếu “chí tử”

Nhìn nhận lại toàn bộ hệ thống Món Huế, chuyên gia Lâm Bình Bảo còn nhìn thấy những 3 điểm yếu chí tử khác, ngoài yếu tố mặt bằng.

“Món Huế thất bại vì mô hình kinh doanh của nó bộc lộ nhiều điểm yếu quá lớn. Đó là giá trị không phù hợp với phân khúc khách hàng mục tiêu, hoạt động chính không được thực thi triệt để, cơ cấu chi phí vượt quá doanh thu trong nỗ lực mở rộng chuỗi.” - ông Lâm Bình Bảo nói.

Theo chuyên gia Lâm Bình Bảo, trong tham vọng mở rộng chuỗi, lấy số lượng nhà hàng làm mồi câu kêu gọi vốn đầu tư, Món Huế "vung tiền" tăng số lượng và trả cho các địa điểm giá khá cao.

“Tuy lợi nhuận gộp trên sản phẩm cao nhưng lại lỗ và giống như con bạc khát nước, thay vì dừng lại, chỉnh đốn từng nhà hàng thì họ tiếp tục tất tay. Mô hình doanh thu không bền vững. Đó là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài”, vị chuyên gia tiếp tục phân tích.

Vị chuyên gia này cũng đánh giá, không chỉ Món Huế, không chỉ ẩm thực, rất nhiều doanh nghiệp đang cạnh tranh trong đại dương đỏ với củng một công thức na ná như nhau.

“Thị trường rất công bằng. Làm sao bạn có kết quả tốt hơn người khác khi làm giống như họ” - ông Lâm Bình Bảo nhấn mạnh đến sự quan trọng về yếu tố mô hình kinh doanh. Bởi không có mô hình kinh doanh hoặc mô hình kinh doanh không phù hợp chính là đã tự tay đóng đinh cho công cuộc kinh doanh của mình.

Thực khách chấm điểm thấp

Theo ghi nhận của Dân trí, trên trang mạng xã hội của Món Huế thời gian qua, khá nhiều bình luận không tích cực liên quan đến chất lượng, giá cả, thái độ phục vụ.

Cũng có ý kiến cho rằng việc bỏ ra chi phí quá cao (chủ yếu là chi phí thuê mặt bằng) trong khi các món ăn chủ yếu là bình dân nên khó cạnh tranh.

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia khi bình luận về trường hợp của Món Huế cho rằng: Chuỗi Món Huế này được đầu tư vốn lơn với 30 triệu USD, số lượng cửa hàng nhiều và một số cửa hàng rất đông khách nhưng vẫn “chết” vì các nguyên nhân bề nổi.

Trên thực tế, khá dễ nhận thấy những điểm thấp của Món Huế đã được chấm như: Sản phẩm cốt lõi kém, mở ồ ạt nên số cửa hàng không hiệu quả quá cao, tỷ số giữa cửa hàng phải đóng và cửa hàng mở mới ở mức báo động; quản trị kém, nhất là mua hàng và quản lý nội bộ; marketing và quản trị thương hiệu không xứng tầm với việc làm một chuỗi lớn…

Được biết, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam, công ty điều hành chuỗi nhà hàng Món Huế được thành lập năm 2006 và là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Công ty đang điều hành hơn 200 nhà hàng trên toàn Việt Nam, bao gồm các thương hiệu nổi tiếng: Món Huế, Phở Ông Hùng, Great Bánh Mì & Cafe, Phở 99, Great Banhmi & Cafe, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster…

Theo dantri.com.vn

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhin-tu-bien-co-mon-hue-cuoc-dua-tim-vi-tri-dac-dia-va-3-diem-buc-tu-doanh-nghiep-a11567.html