Thiếu hụt nguồn nguyên liệu
Với diện tích gần 60.000ha trồng sắn nhưng 62 doanh nghiệp hoạt động trong ngành sắn tại Tây Ninh vẫn rơi vào tình trạng thiếu nguồn liệu trong nước, không đáp ứng được được công suất chế biến tại các nhà máy.
Theo đó, nguồn nguyên liệu trong tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% công suất, còn lại đều phải phụ thuộc vào nguồn sắn nhập khẩu từ thị trường Campuchia.
Các doanh nghiệp chế biến bị điêu đứng do rơi vào khủng hoảng thiếu nguyên liệu sắn. Vào thời điểm cuối vụ 2018 - 2019, các nhà máy hầu hết đã dừng sản xuất.
Tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã đẩy giá thu mua củ sắn tươi, làm cho giá nguyên liệu tăng cao, khiến các doanh nghiệp cạnh tranh nhau trong giá thu mua củ sắn tươi trong nội địa và ngay cả bên Campuchia.
Điều này này cũng xảy ra tương tự tại tỉnh Cao Bằng. Từ năm 2013, nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng (Công ty cổ phần Khánh Hạ) đi vào hoạt động đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu sản xuất.
Theo công suất thiết kế, nhà máy sản xuất 480 tấn củ sắn/ngày, tương đương khoảng gần 60.000 tấn củ trong thời gian thu hoạch sắn (tương đương 4 tháng sản xuất). Vậy nhưng trong 5 năm qua (từ năm 2013 đến 2018), mỗi vụ sản xuất, nhà máy chỉ thu mua được gần 5.000-15.000 tấn sắn/vụ. Sản lượng thu mua năm cao nhất mới đáp ứng 25% nguyên liệu sản xuất cho nhà máy.
Đồng nghĩa với việc số ngày hoạt động của nhà máy chỉ kéo dài từ 20 – 73 ngày/vụ sản xuất. Việc nhà máy không hoạt động được theo đúng công suất thiết kế, khấu hao tài sản lớn trong khi chi phí trả lãi vốn vay ngân hàng cao đã khiến công ty kinh doanh thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến bột sắn chính là do phần lớn các nhà máy đều không đầu tư vùng nguyên liệu cho riêng mình, mà chủ yếu thu mua nhỏ lẻ từ người nông dân.
Sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch từ nhà máy sản xuất đến vùng nguyên liệu đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí tạo ra xung đột trong việc thu mua nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng sắn cũng như đẩy chi phí lên cao, tác động đến yếu tố cạnh tranh quốc gia trong khu vực.
Đánh giá về hiệu quả kinh doanh, ông Trần Phước Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam - thừa nhận trước báo chí rằng, việc các nhà máy cạnh tranh thu mua nguyên liệu ngay trên thị trường Campuchia đã đẩy chi phí sản xuất lên khá cao. Nhiều doanh nghiệp chế biến phải chấp nhận việc này để cố gắng duy trì hoạt động của nhà máy.
“Cộng với chi phí sản xuất ngày càng tăng nên thời gian gần đây, doanh nghiệp chế biến sắn thường lãi rất ít hoặc chỉ hòa vốn”, ông Vinh cho biết thêm.
Thực tế, việc đầu vào quy hoạch không đồng bộ, tăng số lượng nhà máy cũng như tăng công suất sản xuất quá nhanh đã phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu, cộng thêm việc đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (90% xuất khẩu sang Trung Quốc và giao dịch tiểu ngạch chiếm lợi thế) khiến ngành chế biến sắn gặp khó khăn khi Trung Quốc siết chặt giao dịch thương mại biên mậu.
Cấp phép ồ ạt
Thực trạng ngành chế biến tinh bột sắn là vậy nhưng tại một số tỉnh thành, các cơ quan quản lý vẫn tiếp tục cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư mới.
Ví dụ tại tỉnh Sơn La, tỉnh này đã có một quyết định gây nhiều tranh cãi ngay khi còn nằm trên “giấy”, đó là chủ trương đầu tư cho nhà máy chế biến tinh bột sắn Thuận Châu.
Cần liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, Ngân hàng và nông dân trong trồng sắn
Để phát triển vùng nguyên liệu sắn, cần tăng cường liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, Ngân hàng, nông dân trong trồng sắn. Đầu tiên, cần vận động, hỗ trợ nông dân thay đổi cơ cấu giống, từ giống địa phương năng suất thấp, sang giống cao sản.
Tại mỗi địa phương, xây dựng mô hình trồng sắn cao sản, đúng kỹ thuật, cho năng suất, sản lượng, thu nhập cao để nông dân học tập, làm theo. Ngành chuyên môn phối hợp doanh nghiệp cung ứng giống sắn cao sản cho nông dân trồng thay thế giống địa phương. Tập huấn phương pháp trồng, chăm sóc, thu hoạch đúng kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả đầu tư.
Ngân hàng phối hợp cho vay vốn để Công ty, nhà máy sản xuất sắn, nông dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sắn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần duy trì giá thu mua ở mức hợp lý để khuyến khích nông dân trồng sắn.
Nhìn chung, giải quyết vấn đề nguyên liệu cho nhà máy là giải quyết việc làm cho nông dân, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân.
Qua tìm hiểu, tỉnh Sơn La hiện đang có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất lên tới 800 tấn sản phẩm/ ngày đêm và một nhà máy mới được cấp phép nhưng chưa tiến hành triển khai trên thực tế.
Và đầu năm 2019, UBND tỉnh Sơn La lại tiếp tục cấp chủ trương đầu tư cho nhà máy thứ 4 trên địa bàn với quy mô lên tới 400 tấn/ ngày đêm.
Đại diện doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Sơn La vô cùng lo lắng trước việc này bởi chỉ với riêng hai doanh nghiệp hiện nay cũng đã thừa năng lực để tiêu thụ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.
Theo vị đại diện doanh nghiệp, việc tỉnh cấp phép thêm nhà máy trên địa bàn hiện nay là thiếu hợp lý, các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và phát triển cũng không được tỉnh tham khảo ý kiến gì liên quan tới sự tồn tại, phát triển của mình. Việc cấp phép thêm một nhà máy với công suất 400 tấn/ngày đêm sẽ dẫn đến cạnh tranh về nguồn nguyên liệu, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều nhà máy đã bị phá sản, đóng cửa vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - cũng đã thừa nhận, hiện nay nguyên liệu trên địa bàn tỉnh cung cấp cho các nhà máy hiện có cũng là chưa đủ.
Vậy nhưng ông Minh lại không lý giải việc vì sao nguyên liệu cho các nhà máy sẵn có chưa đủ nhưng tỉnh lại cấp chủ trương đầu tư cho nhà máy tiếp theo.
Ông Minh cho rằng, doanh nghiệp khi đầu tư cũng đã phải tính đến những yếu tố này và họ phải có sự chuẩn bị, tính toán để có lời giải cho bài toán đầu tư của mình.
Thực tế đã được chứng minh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như khu vực Tây Nguyên, Tây Ninh, Cao Bằng, Hòa Bình, Yên Bái… nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn đang gặp rất nhiều khó khăn từ đầu vào nguyên liệu tới đầu ra xuất khẩu thành phẩm, thậm chí có những nhà máy được đầu tư hiện đại với công suất lớn đã phải đóng cửa do thiếu hụt nguyên liệu chế biến đầu vào.
Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại!
Nguyễn Tuấn
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lo-ngai-khi-phat-trien-nong-nha-may-san-nhung-quy-hoach-vung-nguyen-lieu-thieu-dong-bo-a11411.html