Vì sao chỉ 4 trong 8 mẫu xe tân binh có doanh số 'ăn lên, làm ra' tại Việt Nam?

Trong 8 mẫu xe nhập từng tốn nhiều giấy mực của báo chí và sự quan tâm của dư luận, hiện chỉ 4 mẫu xe được xem là thành công tại Việt Nam khi có doanh số cao, tạo được điểm nhấn, số còn lại: "có hay không, không quan trọng" đối với thị trường xe Việt.

Tám mẫu xe được xem là tân binh tại thị tường Việt Nam cuối năm 2018 và đầu năm 2019 là: Chevrolet Trailblazer, Nissan Terra, Toyota Avanza, Wigo, Rush, Mitsubishi Xpander, Honda Jazz và HRV.

Vì sao chỉ 4 trong 8 mẫu xe tân binh có doanh số ăn lên, làm ra tại Việt Nam? - 1

Nhiều mẫu xe mới có doanh số khá tốt ở Việt Nam bởi mức giá giảm, có hệ thống phân phối rộng lớn

Trong số này, đáng chú ý nhất là doanh số bán hàng của Xpander, khi 5 tháng đầu năm mẫu xe này bán được hơn 5.800 chiếc, đứng đầu trong nhóm xe mới xâm nhập vào thị trường Việt.

Điều đáng nói, thương hiệu xe Nhật được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia gây ấn tượng nhất ở mức giá rẻ trong phân khúc xe đa dụng gia đình.

Mức giá bản số sàn của Xpander là 550 triệu đồng, bản tự động là 620 triệu đồng. Nếu cộng các chi phí lăn bánh, xe đến tay người tiêu dùng vào khoảng 630 đến gần 700 triệu đồng, vẫn rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc như Toyota Innova, Kia Rondo...

Giá mẫu xe duy nhất có giá rẻ và cạnh tranh được với Xpander là Suzuki Ertiga là 549 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên theo VAMA, 5 tháng qua không có phát sinh doanh số từ hãng báo về. Trên thị trường, mẫu xe này cũng bị đánh giá khó cạnh tranh với đối thủ cho dù giá rẻ.

Mặc dù hiện Xpander đang vướng vào "phốt" lỗi kỹ thuật, chảy dầu, song trong gần nửa năm 2019, việc mẫu xe mới gia nhập thị trường Việt đã thành công về doanh số đã khiến nhiều hãng khác lo ngại, đặc biệt nó làm cho doanh số dòng xe chiến lược của Toyota là Innova lao dốc không phanh, buộc phải giảm giá.

Mẫu xe thứ 2 là Toyota Wigo, sự thành công về doanh số của xe cỏ này đã và đang cạnh tranh thị phần của các ông lớn trong ngành như Kia và Hyundai, đồng thời nó làm chặn đường sự tác động mạnh mẽ của mẫu xe Việt VinFast Fadil.

Theo báo cáo của VAMA, hết 5 tháng, Wigo bán ra thị trường được hơn 3.000 chiếc, đứng thứ 3 về doanh số tiêu thụ xe trong phân khúc xe hatchback tại Việt Nam.

Sự vươn lên của Wigo không những cạnh tranh về doanh số với hai ông lớn trên thị trường mà còn giúp người tiêu dùng Việt có thêm sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, một nhược điểm đáng nói của các dòng xe nhập hiện nay vẫn là giá khi chiếc xe này tại Việt Nam vẫn đắt hơn tại Indonesia từ 80 đến 120 triệu đồng.

Rõ ràng, tại một thị trường mà người tiêu dùng phải chấp nhận giá thay vì cạnh tranh giành giật thị trường, khách hàng đã khiến các hãng xe trục lợi. Nếu có từ 3 - 4 mẫu xe trong cùng một phân khúc, sự cạnh tranh sẽ đáng xem hơn và khi ấy thị trường và người tiêu dùng có thể mới được hưởng lợi về giá.

Ngoài hai mẫu tân binh đáng nói kể trên, thị trường xe Việt cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hai thương hiệu xe là Rush của Toyora và HRV của Honda. Hai mẫu xe này trong 5 tháng qua có doanh số từ 850 đến 900 chiếc, trung bình mỗi tháng bán được từ 170 đến gần 200 chiếc.

Với một mẫu xe gia nhập thị trường chưa đầy 1 năm, như vậy đã là thành công về độ phủ thương hiệu cũng như doanh số trên thị trường. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là thành công bước đầu bởi hai mẫu xe trên được thừa hưởng hệ thống phân phối rộng khắp của Toyota và Honda, chính vì vậy, nỗi lo về việc làm thị trường của mẫu xe này cũng giảm đi.

Về mức giá, hai mẫu trên có giá dao động từ 700 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng, đây được xem là lợi thế hút các khách hàng là gia đình trẻ nhất là trong thời điểm cạnh tranh mạnh mẽ với các mẫu xe SUV đô thị cùng phân khúc là Mazda CX5, Hyundai Tucson, Mitsubishi Outlander...

Theo Nguyễn Tuyền / Dân trí

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/vi-sao-chi-4-trong-8-mau-xe-tan-binh-co-doanh-so-an-len-lam-ra-tai-viet-nam-a11367.html