Theo nghiên cứu mới nhất về “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton thực hiện, tỷ lệ các doanh nghiệp trên toàn cầu có ít nhất một phụ nữ tham gia đội ngũ lãnh đạo đạt mức 87%, tăng 12% so với năm ngoái.
Tại khu vực Châu Á, tỷ lệ phụ nữ tham gia trong ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp thuộc nhóm khá cao trên thế giới. Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai Châu Á với tỷ lệ khoảng 36%, (đứng sau Philippines với 37,46%). Theo sau có Singapore (33,04 %), Indonesia (31,85 %), Hàn Quốc (29,89 %), Ấn Độ (28,16 %)...
Mặc dù số lượng phụ nữ hiện diện trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhưng sự bình đẳng giới tại vị trí chủ chốt vẫn còn khá xa. Khi nói đến vị trí Tổng giám đốc (CEO) hoặc Giám đốc điều hành, chỉ có 15% doanh nghiệp trên thế giới có phụ nữ nắm giữ vị trí này.
Tổng chung, hiện nay tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn thế giới là 29%. Con số này tăng 10% trong suốt 15 năm nghiên cứu, và một nửa số đó là mới đạt được trong 12 tháng gần đây. Trong khu vực ASEAN, tỷ lệ doanh nghiệp có ít nhất một phụ nữ làm quản lý cấp cao là 94% và tỷ lệ nữ giữ các vị trí cấp cao là 28%.
Theo khảo sát, tại Việt Nam bốn vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp là Giám đốc tài chính (36%), Giám đốc điều hành (30%), Giám đốc nhân sự và Giám đốc marketing (25%).
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách khối Dịch vụ Tư vấn công ty Grant Thornton Việt Nam nhận định Việt Nam đứng thứ 2 Châu Á trong tỷ lệ nữ lãnh đạo vốn không phải là điều ngạc nhiên. Tại nước ta, phụ nữ trong kinh tế luôn có một vai trò hết sức quan trọng. Ở bình diện rộng hơn Việt Nam có một loạt các nữ tướng có tầm ảnh hưởng lớn, khả năng truyền cảm hứng và đang trông đợi một thế hệ mới các nữ tướng kế nhiệm.
“Sự gia tăng tỷ lệ lãnh đạo doanh nghiệp nữ theo khảo sát năm nay là thông tin rất đáng khích lệ, và chúng ta trông đợi sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của nữ giới trong giới lãnh đạo các doanh nghiệp, không chỉ trong khối tư nhân", bà Hà bày tỏ.
Tuy nhiên báo cáo này cũng chỉ ra một số trở ngại đối với nhà lãnh đạo cấp cao nữ ở Việt Nam là thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp (Toàn cầu 27%; Việt Nam: 40%); Cơ hội xây dựng các mối quan hệ (Toàn cầu: 26%; Việt Nam: 35%); Trách nhiệm chăm lo gia đình ngoài công việc (Toàn cầu: 25%; Việt Nam: 39%), và Có thêm thời gian bên cạnh trách nhiệm với công việc chủ chốt (Toàn cầu: 32%; Việt Nam: 35%). Đây đều là những thách thức ngăn cản phụ nữ trau dồi thêm kỹ năng và đạt được thành công trong công việc của mình.
Theo Zing
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ty-le-phu-nu-lanh-dao-doanh-nghiep-o-viet-nam-dung-thu-hai-chau-a-a11127.html