Cá ngừ xuất khẩu 'kẹt cảng' vì vướng kiểm dịch

(NĐ&ĐS) - Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện tình trạng nhiều container cá ngừ nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển đang bị ùn ứ tại cảng, không được kiểm dịch để thông quan, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN cá ngừ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đang gặp khó khăn trong hoạt động chế biến và kinh doanh.

Nguyên nhân là các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, chưa về được nhà máy vì không được kiểm dịch để thông quan theo Thông tư số 36/2018/TT- BNNPTNT (Thông tư 36 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2019 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản).

ca-ngu1
Cá ngừ xuất khẩu 'mắc kẹt' vì quy định kiểm dịch động vật. Ảnh minh họa

Các lô hàng xuất khẩu đi châu Âu cũng chưa ra khỏi cảng vì nhiều cảng trên cả nước dừng hoàn toàn việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản từ khai thác (S/C).

Lý do là các cảng này không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí cảng cá loại 1 và 2 (theo Điều 78,Luật Thủy sản 2017) nên không đủ điều kiện để được chỉ định là cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT (Thông tư 21) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chứng nhận nguồn gốc thủy sản.

Thêm vào đó, Thông tư 36 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2016/TT- BNNPT (Thông tư 26) quy định về dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản và Thông tư 21 về chứng nhận nguồn gốc thủy sản được ban hành chậm, nhưng có hiệu lực nhanh đã làm cho doanh nghiệp và các cảng trở nên lúng túng trong việc thực hiện đúng quy định về kiểm dịch động vật và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu cá ngừ.

Cụ thể, thông tư 36 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/2/2019 nhưng Hiệp hội VASEP và hầu hết các DN chỉ được biết trong khoảng 11-15/2/2019. Một vài DN có nhận được qua email của Chi cục thú y ngày 3-4/2/2019, nhưng các DN khác thì không nhận được và chỉ biết khi nhận được từ email của Hiệp hội vào 11/2/2019.

Hai cuộc họp phổ biến Thông tư 36 của Cục Thú y cũng mới được tổ chức vào sau ngày Thông tư 36 đã có hiệu lực (cuộc họp tổ chức tại TP. Hà Nội vào ngày 15/2/2019 và tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 20/2/2019).

Trong khi đó, các DN đều  ký hợp đồng mua nguyên liệu từ trước đó, thậm chí nhiều tháng trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực. Các container cá được vận chuyển liên tục về Việt Nam. Cho đến ngày các DN biết Thông tư 36, đã là cận hoặc sau ngày Thông tư có hiệu lực, hầu hết container đã xuất bến về Việt Nam đều chưa cập nhật được các quy định mới của Thông tư 36. Hay nói cách khác là dẫn đến việc các DN không thể kịp chuẩn bị các điều kiện để tuân thủ các yêu cầu của Thông tư 36.

Ngoài ra, ngay sau khi nhận nhiều phản ánh của DN, trong 2 ngày 20-21/2/2019, VASEP đã rà soát và một lần nữa tổng hợp nhanh từ các DN về hiện trạng để nắm bắt và hỗ trợ các DN cá ngừ tuân thủ tốt các quy định bổ sung tại Thông tư 36.

Kết quả tổng hợp cụ thể cho thấy các lô nguyên liệu cá ngừ khai thác nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển hiện sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu tại điểm g, khoản 2, Điều 1 của Thông tư 36 này. Đây cũng là nội dung mà trước đó, trong 4 tháng cuối năm 2018, VASEP và các DN ngành cá ngừ Việt Nam đã có báo cáo và góp ý xây dựng, thông tin thực tế cho Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 26 – bao gồm đặc biệt việc Dự thảo quy định nội dung tại điểm g) Khoản 2) Điều 1 là rất khó khăn trong thực tế, trong khi các nội dung này đã có trong Giấy Chứng nhận thuyền trưởng.

Theo đó, các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị, cho phép có giai đoạn chuyển tiếp để thực thi Thông tư 36 cho đến hết ngày 31/3/2019 để giải quyết tình trạng ùn ứ ách tắc tại cảng hiện nay cũng như tạo điều kiện để giải quyết các lô hàng đã ký hợp đồng và xuất bến trong nửa đầu tháng 2/2019.

Để giải quyết tình trạng ách tắc nguyên liệu qua các cảng trung chuyển từ nước ngoài, giải quyết cấp giấy chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác cho các lô hàng thành phẩm, vào ngày 1/3/2019, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gửi Công văn số 22/2019/CV-VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ra văn bản ban hành “Danh sách các cảng cá được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác”.

VESEP đề nghị Tổng cục Thủy sản sớm đăng tải danh sách này lên trang thông tin điện tử của Tổng cục như quy định tại Điều 6 Thông tư 21 để làm căn cứ chính thống trong triển khai các hoạt động xác nhận, chứng nhận thủy sản tại các địa phương. Trong trường hợp chưa có danh sách cảng cá được chỉ định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn các cảng cá tiếp tục triển khai các hoạt động xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác như trước ngày 1/1/2019 để giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, khai thông sự đình trệ trong sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Tuyên Mặc

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ca-ngu-xuat-khau-ket-cang-vi-vuong-kiem-dich-a11124.html