Dấu hiệu nhận biết lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

(NĐ&ĐS) - Hiện cả nước đã có 7 tỉnh xuất hiện lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi loại lợn, tỷ lệ chết 100%. Vậy dấu hiệu nào nhận biết lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi để người dân phòng tránh?

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi loại lợn, tỷ lệ chết 100%.

Lợn bị nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có nhiều triệu chứngtùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

dich-ta-lon
Lấy mẫu xét nghiệm trên đàn lợn tại xã Đông Đô (Hưng Hà, Thái Bình)

Ở dạng cấp tính, con lợn có thể bị sốt cao nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu. Sau đó, lợn dần mất đi sự thèm ăn và trở nên chán nản.

Với con lợn da trắng, các chi có thể chuyển sang màu xanh tím, xuất huyết trên tai và bụng. Chúng run rẩy, thở bất thường, đôi khi ho, đứng không vững. Trong vòng vài ngày sau khi nhiễm trùng, lợn bị hôn mê, sau đó chết.

Lợn nái mang thai khi nhiễm bệnh sẽ bị sảy thai. Lợn nhiễm trùng nhẹ hơn thì bị giảm cân, có các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp.

Không giống như cúm lợn, tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người.

Những dấu hiệu nhận biết thịt lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi:

- Lợn bị nhiễm DTLCP sẽ bị sốt cao (41 - 42 độ C), biểu hiện bằng việc mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi).

- Lợn bệnh sẽ có dịch chảy ra từ mắt hoặc mũi. Lợn thường xuyên khó thở, chảy dãi lẫn máu, chảy máu mũi; kêu đau liên tục, nôn mửa. Một số con bị táo bón hoặc tiêu chảy ra máu. Đa số lợn nái trong thời gian mang bầu sẽ sảy thai.

- Những con lợn da bị ửng đỏ có thể chuyển sang màu xanh tím khi bệnh nặng, đồng thời xuất huyết dưới da. Lợn có thể rơi vào hôn mê do sốc xuất huyết hoặc tràn dịch phổi sau 7 ngày xuất hiện các triệu chứng của DTLCP. 

- Những con lợn chết trong thời gian đầu thường trông khỏe mạnh không khác gì lợn thường. Nhưng vẫn có các vùng đỏ hoặc tím xanh ở các chi, bụng và ngực.

- Dịch ở khoang ngực và ổ bụng lợn bệnh nhiều, có thể dính lẫn máu. Xuất huyết toàn bộ nội tạng và bề mặt cơ thể. Máu tràn ra từ nội tạng và xác lợn.

- Lá lách phình to, hạch bạch huyết to, chứa máu nên có thể trông giống cục máu đông.

- Phổi không xẹp xuống sau khi ngực bị mổ ra. Phổi nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt. Khí quản thường chứa đầy bọt, và có thể dính máu.

- Thận bị xuất huyết. Bên trong niêm mạc dạ dày cũng có máu và đôi khi bị loét.  Ruột cũng bị tắc và có thể chứa máu.

Hàn Trầm (T/h)

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dau-hieu-nhan-biet-lon-nhiem-dich-ta-lon-chau-phi-a11117.html