Mặc dù nhiều hãng xe chưa chính thức có những động thái điều chỉnh giá bán song tại các đại lý, người tiêu dùng đã bắt đầu có thể mua nhiều mẫu xe với giá bán lẻ giảm vài chục triệu đồng so với thời điểm trước Tết.
Theo khảo sát của phóng viên, ngoại trừ những mẫu xe bán chạy và vẫn đang trong tình trạng thiếu hàng thì khá nhiều mẫu xe, nhất là những mẫu xe có doanh số thấp thời gian gần đây, giá bán lẻ được các đại lý giảm xuống đáng kể.
“Mở hàng” cho xu hướng giảm giá ô tô năm mới Kỷ Hợi là Mazda với việc giảm giá cho 3 mẫu xe lắp ráp trong nước. Trong đó, mẫu sedan cỡ trung cao cấp Mazda6 có giá bán lẻ giảm 20 triệu đồng.
Đáng chú ý là đợt giảm giá này được áp dụng cho cả 2 mẫu xe đang rất đắt khách trên thị trường là CX-5 giảm 30 triệu đồng và Mazda3 giảm 20 triệu đồng. Bên cạnh việc giảm giá, thương hiệu ô tô do tập đoàn Thaco sản xuất, lắp ráp cũng tặng thêm cho người tiêu dùng các phụ kiện như phim cách nhiệt, giá nóc, ốp đèn sương mù viền LED, thảm lót sàn, túi cứu hộ…
Hãng xe đồng hướng với Mazda là Nissan cũng áp dụng mức giảm giá bán lẻ 20-30 triệu đồng tùy từng phiên bản đối với mẫu đa dụng X-Trail và mẫu sedan cỡ nhỏ Sunny. Mẫu bán tải Navara và mẫu SUV 7 chỗ ngồi Terra có mức giảm giá thấp hơn, từ 10-15 triệu đồng, nhưng lại được ưu đãi các phụ kiện khác.
Khá bất ngờ là Ford Việt Nam cũng đã điều chỉnh giảm giá bán lẻ đối với mẫu SUV đô thị đang được người tiêu dùng ưa chuộng EcoSport. Cụ thể, phiên bản đắt khách nhất là EcoSport 1.5 AT Titanium giảm khoảng 40 triệu đồng, phiên bản EcoSport 1.0 AT Titanium được giảm 25-30 triệu đồng, các phiên bản còn lại cũng được áp dụng mức giảm từ 15-35 triệu đồng.
Nếu như trước Tết, khi nhu cầu mua xe của người tiêu dùng tăng vọt trong khi nguồn cung cấp xe bị thiếu hụt khiến người tiêu dùng thậm chí phải mua theo kiểu “bia kẹp lạc” thì sau Tết, người tiêu dùng bắt đầu được trở về đúng với vị thế “thượng đế” của mình.
Mẫu xe đa dụng nhập khẩu Honda CR-V là một điển hình. Trước Tết, nhiều khách hàng thậm chí phải chấp nhận “lót tay” số tiền xấp xỉ 100 triệu đồng để nhận xe sớm. Ở một diễn cảnh khác, đa số khách mua Honda CR-V phải chi thêm số tiền vài chục đến 100 triệu đồng để mua thêm các phụ kiện khác như một điều kiện “đủ” để có thể… mua xe.
Nhưng đến thời điểm này, tình trạng ép khách mua “bia kẹp lạc” đã không còn. Thậm chí, ngoại trừ mẫu xe vẫn đang cháy hàng là CR-V thì nhiều mẫu xe Honda khác, nhiều đại lý đã bắt đầu chấp nhận bỏ một phần hoa hồng bán hàng để chiết khấu cho người tiêu dùng.
Với thương hiệu bán chạy nhất Việt Nam hiện nay là Toyota, khách mua đa số các mẫu xe bắt đầu được nhiều đại lý giảm giá bán. Ngay với mẫu xe đắt khách nhất là Vios cũng được giảm giá từ 10-25 triệu đồng so với giá khuyến nghị tuỳ vào từng phiên bản và ở từng đại lý khác nhau. Mẫu sedan cỡ trung Camry còn được giảm giá nhiều hơn, lên đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đây có thể là một động thái kích cầu trước khi Camry thế hệ mới về đến Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng, khi người tiêu dùng không còn sốt sắng với việc sở hữu bằng được chiếc xe trước Tết nguyên đán; và khi nguồn cung xe nhập khẩu đã ổn định hơn, các hãng xe bắt buộc phải tung ra các biện pháp kích cầu nhằm gia tăng doanh số và nhằm cạnh tranh trên thị trường.
Trong các biện pháp kích cầu thì việc giảm giá luôn tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ và trực tiếp nhất.
Hiện tại, cuộc đua giảm giá bán lẻ ô tô trên thị trường mới chủ yếu diễn ra ở hệ thống các đại lý, tức là các đơn vị bán lẻ trực tiếp kích cầu để cạnh tranh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, người tiêu dùng ô tô Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những đợt giảm giá chính thức và có tỷ lệ lớn hơn từ chính các nhà nhập khẩu và sản xuất trong nước. Đây là một cơ hội tốt để người tiêu dùng có thể sở hữu chiếc ô tô mong muốn theo giá trị sát thực nhất.
Theo An Nhi / Dân Việt
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dua-nhau-giam-gia-co-hoi-cua-nguoi-tieu-dung-o-to-a11083.html