Năm 2017, các hãng xe đã đua nhau kéo mặt bằng giá bán lẻ xuống rất thấp nhằm kích cầu thị trường. Thế nhưng, phần nhiều người tiêu dùng vẫn nhất quyết án binh bất động để chờ mua xe nhập khẩu giá rẻ vào năm 2018.
Sang năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm về 0%. Điều kiện cần là thuế giảm đã có những điều kiện đủ là nguồn cùng thì không. Rốt cuộc, không những giá bán lẻ ô tô không giảm xuống mà người tiêu dùng thậm chí không có xe để mua.
Bão tố xem như đã tan trên “bầu trời” vốn ẩn chứa nhiều biến động của thị trường ô tô khi bước sang năm mới 2019, nhất là sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Tâm lý ức chế kéo dài suốt 2 năm trời của người tiêu dùng ô tô Việt Nam đã không còn nữa, thay vào đó là những kỳ vọng mới.
Điểm khác biệt lớn nhất của thị trường ô tô Việt Nam năm nay so với 2 năm trước chính là sự cân bằng của cán cân cung – cầu.
Qua Tết, sự sốt sắng nhằm có xe sớm của người tiêu dùng đã không còn. Nhu cầu mua sắm bắt đầu quay trở lại với giá trị thực tế chứ không còn “ảo” như thời điểm trước Tết.
Bên cạnh đó, sau quãng thời gian nửa sau của năm 2018, những nỗ lực của các hãng xe đã giúp nguồn cung ô tô trên thị trường vào đà tăng trưởng mạnh, nhất là ở mảng xe nhập khẩu nguyên chiếc. Từ đó, sự mất cân đối của cán cân cung – cầu đã được giải quyết. Đây chính là điểm tựa tốt nhất cho kỳ vọng vào một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong năm 2019.
Có thể hình dung thị trường ô tô năm 2019 như một phiên chợ mà ở đó, hàng hoá thì đầy ắp và đa dạng trong khi người tiêu dùng lại thảnh thơi lựa chọn, không còn những sốt sắng như giai đoạn cuối năm 2018. Bối cảnh đó sẽ đưa các hãng xe vào tình thế buộc phải kích cầu mà giải pháp hữu hiệu nhất chính là giảm giá bán lẻ.
Ngoài lý do nguồn cung đang trở nên dồi dào, còn 2 lý do nữa để mặt bằng giá bán lẻ ô tô hoàn toàn có thể giảm xuống.
Lý do thứ nhất là thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã giảm xuống 0% và qua đó, về mặt kỹ thuật, đương nhiên sẽ kéo giá thành ô tô nhập khẩu giảm. Trên thực tế, thuế nhập khẩu đã giảm từ năm 2018 song do nguồn cung khan hiếm, các hãng xe đã “giấu nhẹm” lý do giảm giá này để tranh thủ lợi thế của sự mất cân bằng cung – cầu.
Nhưng khi nhu cầu tiêu dùng giảm nhiệt, các hãng xe buộc phải trả lại cho người tiêu dùng giá trị thực của cơ cấu giá hàng hàng hoá nhằm kích cầu và ổn định thị trường.
Lý do thứ hai cũng là thuế nhưng ở mảng xe lắp ráp trong nước (CKD). Cũng từ thời điểm ngày 1.1.2018, thuế nhập khẩu đối với hơn 30 nhóm linh kiện ô tô đã giảm về 0% theo quy định tại Nghị định 125 của Chính phủ. Dù không có tác động mạnh vào giá bán như xe nhập khẩu song việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện cũng giúp cơ cấu giá ô tô CKD giảm xuống.
Tương tự xe nhập khẩu, ô tô CKD trong năm 2019 cũng hoàn toàn đủ cơ sở để giảm giá.
Lưu ý rằng cả 2 sắc thuế này đều đã có hiệu lực từ năm 2018. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm trầm trọng, nhất là ở mảng xe nhập khẩu, trong khi nhu cầu thị trường tăng mạnh khiến cho giá xe không thể giảm.
Còn trong năm mới 2019, khi nguồn cung đã dồi dào hơn còn nhu cầu lại hạ nhiệt thì không có lý do nào để giá ô tô không giảm xuống. Tất nhiên, đó là trong trường hợp thị trường không bị đẩy vào những bất ổn, đặc biệt là những tác động từ chính sách.
Theo An Nhi / Dân Việt
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giam-gia-o-to-ky-vong-moi-trong-nam-moi-a11061.html