Dịp Tết Nguyên đán năm nay, dự báo mức chi tiêu của các gia đình tăng 30% so với chi hàng ngày. Hiện tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, lượng hàng được tăng cường thêm 20-30% để phục vụ người dân mua sắm chuẩn bị đón Tết. Mặt bằng giá cả năm nay bình ổn, không tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cùng nhiều cửa hàng tiện ích thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tất nập người mua sắm. Chị Nguyễn Thu Hương (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước khi vào siêu thị cũng lo lắng giá các mặt hàng sẽ tăng, tuy nhiên khi mua hàng thì nhận thấy mặt bằng giá cả năm nay ổn định.
“Tôi cũng lo là Tết giá hàng hóa tăng, tuy nhiên khi vào siêu thị và các cửa hàng lớn tôi thấy giá cả vẫn bình ổn, giá cả không bị đội lên cao. Cùng với đó là có nhiều chương trình khuyến mại nhiều, nguồn cung dồi dào, nhiều mặt hàng giá ổn định so với ngày thường. Tôi thấy, hàng hóa do Việt Nam sản xuất bày bàn chiếm số lượng lớn hơn so với hàng ngoại”, chị Hương nói.
Để duy trì bình ổn giá trên thị trường, Sở Công Thương thành phố Hà Nội chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết. Hiện có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, cũng như ổn định về giá cả dịp tết, nhiều thành phố lớn đều có chương trình hỗ trợ để giữ được giá cả ổn định.
“Tết thì thường nhu cầu tăng lên. Các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có chương trình hỗ trợ để giữ được giá cả, nhưng tôi cho rằng dịp tết giá có thể tăng theo quy luật nhưng tăng theo mức nào đó thôi. Về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường cần phải đảm bảo cho người tiêu dùng diễn ra một cách an toàn, thực phẩm an toàn…”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo các chuyên gia dự báo, sức mua trên thị trường sẽ duy trì đà tăng cao những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Hiện, lượng hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh đều được tăng cường thêm 20-30%. Cùng với lượng cung hàng hóa dồi dào thì giá cả vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, khan hàng do các đơn vị đã có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa từ rất sớm, nguồn cung dồi dào.
“Nguồn cung hàng hóa chúng ta vẫn duy trì đảm bảo được. Các chương trình bình ổn giá vào các dịp lễ và Tết, đây là dịp giá hàng hóa những năm trước đây thường tăng đột biến, nhưng chúng ta đã có chương trình bình ổn giá, kiềm chế được giá vào dịp Tết cho nên loại trừ được những đợt tăng giá đột biến”, ông Lê Quốc Phương, Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương nói.
Dịp này, ngoài việc giá cả hàng hóa tết bình ổn, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Song song với đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhà bán lẻ và doanh nghiệp đều chú trọng đến công tác đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, để hàng hóa đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng thì việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý để hàng hóa trên thị trường lưu thông, thông tin minh bạch, chất lượng đảm bảo cần được triển khai quyết liệt, thường xuyên.
Theo Nguyễn Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/binh-on-gia-ca-hang-hoa-dip-tet-nguyen-dan-ky-hoi-a11032.html