Đủ mọi cách "ép giá"
Những hình ảnh như phát tờ rơi, dán bảng cho vay nhanh đã tràn lan từ thành thị đến nông thôn những năm qua. Gần đây, để mở rộng địa bàn hoạt động, các tổ chức tín dụng đen sẵn sàng cho nhân viên đến tận cổng công ty, khu công nghiệp, thậm chí vào tận khu trọ của công nhân nghèo để tư vấn cho vay.
Anh Lành (công nhân ở Bình Dương) cho biết: "Hôm đó đang kẹt tiền thì thấy có người đến tận phòng trọ tư vấn cho vay tiền. Họ nói vay nhanh và lãi suất thấp lắm nên mình cũng không suy nghĩ nhiều mà làm thủ tục vay luôn”.
“Cụ thể, họ sẽ làm thủ tục mua xe của mình với giá khá rẻ, xe của mình 30 triệu nhưng họ chỉ định giá 15 triệu cho mình vay với mức 5 ngàn đồng/1 triệu/ngày. Mình chỉ làm thủ tục xong, để lại giấy đăng ký xe và chứng minh thư rồi lấy tiền về. Toàn bộ thủ tục chỉ diễn ra tầm 1 tiếng đồng hồ", anh Lành nói.
Theo anh Lành, cứ 10 ngày đến trả lãi 1 lần và trước đó sẽ có người gọi điện thông báo mức lãi suất để mang đến nộp. Lúc đầu, anh Lành chỉ nghĩ đơn giản là mình vay 15 triệu đồng thì mình trả đủ tiền và lãi suất thì sẽ không sao nhưng sau đó là cả một hệ lụy không lối thoát.
"Sau khi mình làm thủ tục vay 15 triệu thì họ chỉ đưa cho mình 13,5 triệu, 1,5 triệu họ nói tiền làm thủ tục. Lãi suất họ tính mỗi tháng lên đến gần 5 triệu đồng, trong đó có tiền bảo quản giấy đăng ký xe và hàng loạt loại phí khác. Tính ra, 3 tháng tiền lãi đã bằng số tiền mình vay rồi. Lúc đó, mình sợ quá nên đi vay mượn khắp nơi kiếm tiền trả cả lãi lẫn gốc hơn 40 triệu đồng rồi lấy xe về. Từ đó tới giờ mình không dám vay kiểu đó nữa", anh Lành kể lại.
Đồng cảnh ngộ với anh Lành, chị Ty cũng ngao ngán khi lỡ dính vào tín dụng đen tại Bình Dương. "Thấy người ta vô xóm trọ tư vấn nhiều rồi nhưng gần đây vì kẹt quá nên mình cũng vay. Mình nói vay 10 triệu thì họ nói chuẩn bị CMND và hợp đồng thuê nhà họ mang tiền tới. Khi họ tới thì trong hợp đồng ghi là số tiền vay 12,5 triệu nhưng chỉ đưa cho mình 10 triệu. Ngoài ra, mình còn phải đưa cho họ 500 ngàn đồng tiền dịch vụ", chị Ty nhớ lại.
Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng trên nắm bắt được nhu cầu của người vay nên tìm đủ mọi cách ép giá. Chị Ty kể: "Khi mình thắc mắc là sao vay có 10 triệu đồng mà ghi hợp đồng là 12,5 triệu, họ nói đó là tiền dịch vụ rủi ro của công ty. Tiếp đó, họ còn bắt mình phải đóng trước lãi suất 2 ngày, mỗi ngày 500 ngàn đồng. Cộng với tiền 500 ngàn dịch vụ cho người đi làm hợp đồng và 1 triệu tiền lãi 2 ngày họ đưa cho mình có 8,5 triệu. Họ nói đóng hết 12,5 triệu trong vòng 25 ngày không sẽ phạt nặng. Lúc đó cần quá nên không có cách nào khác".
Chia nhỏ lãi suất
Dù lãi suất thực phải trả của những người vay tín dụng đen lên tới 500 - 600% nhưng các đối tượng lại chia nhỏ theo ngày khiến số tiền đó rất nhỏ. Cụ thể, các đối tượng cho vay chỉ nói lãi suất 1,5%/ngày hoặc 15 ngàn đồng/1 triệu đồng/ngày. Tính theo con số này, mỗi năm người vay phải trả 540% và cao gấp nhiều lần so với mức quy định của ngân hàng nhà nước.
"Lúc đó vừa tan ca làm thì thấy có người đứng ở cổng công ty phát tờ rơi cho vay tiền nên mình vay. Thủ tục làm rất đơn giản và ký ngay ven đường rồi người ta giao tiền cho mình. Lúc đó ở ngoài đường nên mình không đọc kỹ hợp đồng lắm, chỉ nghe loáng thoáng 1,5% lãi suất. Nghĩ lãi suất vậy là thấp nên mình vay luôn, về nhà mình mới tá hỏa biết số lãi suất đó là quá cao", anh Hòa, công ty Pouyen, TPHCM chia sẻ.
Anh Hòa cũng cho biết, dù vay 10 triệu đồng nhưng anh cũng chỉ nhận được 8,5 triệu đồng do bị trừ một phần lãi và phí vay. Sau đó anh phải trả cả gốc lẫn lãi hàng tháng là 950 ngàn đồng. Dù đã trả nợ hơn 1 năm nhưng anh vẫn còn nợ hơn một nửa số tiền đã vay.
Lần theo số điện thoại của anh Hòa cung cấp, PV mới thực sự ngỡ ngàng vì lãi suất vay quá tinh vi của các đối tượng. "Nếu anh muốn vay thì chỉ cần mang CMND, hoặc giấy đăng ký xe và sổ hộ khẩu là được. Có 2 hình thức, 1 là góp theo ngày, 2 trả theo tháng, cứ 1 triệu lãi 15 ngàn đồng trên ngày, còn nếu theo theo tháng là 200 ngàn 1 tháng", đối tượng X. cho biết.
Theo đối tượng này, lãi suất bên công ty cho vay khá thấp. "Nếu anh vay 10 triệu thì trả trong vòng 40 tháng, mỗi tháng 1 triệu 80 ngàn đồng. Tính ra lãi suất chỉ có 1,123% thôi, còn lại là anh đóng phí thuê xe. Thay vì em giữ xe thì em cho anh thuê xe lại nên anh phải đóng phí đó", X. giải thích.
Khi PV nói không có nhu cầu thuê xe, bên cho vay tự giữ xe và không đóng các khoản phí khác thì X. cho biết: "Đây là quy định của công ty em rồi, anh thông cảm".
Như vậy, chỉ trong 40 tháng, tổng tiền cho vay 10 triệu đồng sẽ trả thành 43 triệu đồng, tức tiền lời gấp 4 lần tiền gốc. Hình thức ở đây là khi chỉ tính lãi suất khoảng 1,125%/tháng, số tiền còn lại họ lại tính vào phí thuê xe, cao gấp 6 lần lãi suất. Một số nơi còn áp dụng mức phí như tuần đầu 2,5%, tuần 2 lên 3,5%, tuần 3 lên 4%, tuần 4 lên 6% ... Bình quân mức lãi cao gấp 60 lần ngân hàng thương mại.
Với ma trận cách tính lãi từng phần, cộng với phí cho thuê lại chính tài sản của người đi vay, phí môi giới, thì người đi vay giống như một cổ chịu mấy tròng mà không hề hay biết. Nhiều đối tượng còn giả danh liên kết với nhiều công ty tài chính uy tín, ngân hàng để người vay tin tưởng. Tuy vậy, cách tính lãi suất ngoài một cách mập mờ khiến người vay như lọt vào "ma trận" không tài nào kiểm soát nổi.
Theo Xuân Hinh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-thu-doan-cua-tin-dung-den-day-con-no-vao-vong-vay-khong-loi-thoat-a11027.html