Với phương châm: Tính mạng con người và lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp phòng chống dịch rất phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn và quyết liệt chỉ đạo thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt có sự đồng thuận và thực hiện nghiêm túc của người dân cả nước. Với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” của Đảng và Chính phủ, nhân dân cả nước đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng cùng Đảng và Chính phủ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch.
Trong cuộc chiến đầy cam go, hiểm nguy chống “giặc COVID-19” trong bốn tháng qua đã có không ít những hy sinh thầm lặng. Đi đầu trong “cuộc chiến không tiếng súng” chống giặc vô hình này là những “người lính áo trắng” - các y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm, luôn túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Không chỉ thực hiện công việc chuyên môn chăm sóc, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh, bản thân các y, bác sỹ phải tập trung cao độ, không có bất cứ sai sót nào để tránh lây nhiễm chéo cho những người xung quanh. Họ cũng phải cách ly tuyệt đối với gia đình, người thân, đặc biệt không được về nhà. Đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về những “người lính áo trắng” trong giai đoạn chống dịch quyết liệt vừa qua. Chính họ đã giúp đất nước Việt Nam viết nên một trang sử hào hùng trong “cuộc chiến thầm lặng” nhưng không kém đau thương những thập niên đầu ở thế kỷ 21.
Sát cánh với những “người lính áo trắng” là lực lượng bộ đội, công an, dân phòng, tình nguyện viên - những người tạo “lá chắn thép vững chắc” để ngăn cho dịch bệnh không lây lan nhanh ra cộng đồng. Khi Chỉ thị thực hiện việc cách ly xã hội của Thủ tướng có hiệu lực, các chốt kiểm dịch ở các tỉnh, các khu dân cư có người nhiễm bệnh đã được thành lập và kiểm soát 24/24h các phương tiện đi lại, thực hiện việc “phong tỏa” các khu dân cư có người bệnh để ngăn chặn khả năng lan tràn dịch bệnh ra cộng đồng. Có rất nhiều hình ảnh cảm động như bộ đội dựng lán trại ở trong rừng để nhường chỗ cho người cách ly, cô y tá nợ vành khăn sô không thể về chịu tang mẹ, anh lính trẻ tạm hoãn ngày cưới vợ để tham gia trực chống dịch ở vùng biên giới, các sinh viên trường y xung phong tham gia công tác kiểm soát và thực hiện việc cách ly cho người dân về nước tại các sân bay, cửa khẩu, các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng giúp người dân ở khu cách ly, vùng “phong tỏa” đo thân nhiệt, nấu cơm, phân phát lương thực, thực phẩm hàng ngày không quản ngại vất vả, hiểm nguy.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”, các khẩu hiệu như “Ở nhà là yêu nước”, “Yêu nước thì phải ở nhà”; “Chống giặc thì phải xông pha, chống dịch thì phải ngồi yên ở nhà”… Nhiều tài khoản Facebook đã sử dụng dòng chữ “Hãy đứng im khi Tổ quốc cần” trên ảnh đại diện (avatar) với mục đích vận động mọi người hãy hạn chế đi lại khi không có việc gì đặc biệt quan trọng. Các trang cá nhân cùng nhau chia sẻ những khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc sử dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh đã lan truyền nhanh chóng và có tác dụng trong việc kêu gọi người dân nghiêm túc thực hiện chỉ đạo chống dịch của chính phủ. Lực lượng y bác sỹ, nhân viên y tế cũng phát đi thông điệp “Chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy ở nhà vì chúng tôi” để kêu gọi mọi người cùng có ý thức tham gia phòng chống dịch. Các khẩu hiệu với những nội dung kêu gọi người dân hãy tự giác, đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với chính quyền, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã đem lại kết quả mà theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân ủng hộ biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ cao nhất thế giới và đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp Việt Nam ngăn chặn dịch COVID-19 thành công sớm nhất và ít thiệt hại nhất trên toàn thế giới.
Cũng chính vì tập hợp được sức mạnh của dân tộc, tình người trong cơn “bão dịch” đã được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều hình ảnh xúc động về sự sẻ chia vật chất với người bị cách ly, với các chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch hay những người nghèo khó trong xã hội đã nhân lên tạo hiệu ứng tốt đẹp trong xã hội. Đó là “Cây ATM gạo”- mô hình độc đáo, có một không hai trên thế giới, được triển khai nhanh chóng trên cả nước, cung cấp gạo miễn phí cho những gia đình bị “đứt bữa” do mất việc làm, mất thu nhập trong thời kỳ giãn cách xã hội. “Cửa hàng hạnh phúc”, “Cửa hàng 0 đồng”, “Chợ nhân đạo”, “Quán ăn dã chiến”, “Chuyến xe yêu thương”… đã được triển khai trên khắp hang cùng, ngõ hẻm, từ thành thị đến nông thôn, từ miền biển đến miền núi xa xôi, “ai có mang đến chia sẻ, ai khó lấy đi một phần” là thông điệp giản dị, gần gũi nhưng có sức thu hút rất lớn sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Hàng ngàn tấn gạo, hàng triệu tấn nông sản, thực phẩm đã được huy động để phân phát cho người nghèo, đơn giản là bữa ăn hàng ngày cho người lang thang cơ nhỡ đến thực phẩm hàng ngày, hàng tháng cho những người nghèo khó. Những tấm gương quên mình, không ngại gian khổ, dịch bệnh của các tình nguyện viên để chia sẻ khó khăn với những người khốn khó thật không khó bắt gặp trong những ngày vừa qua. Ai ai cũng muốn đóng góp một phần vật chất, tinh thần cho cuộc chiến chống dịch. Chưa bao giờ, tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” lại phát huy mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Mặc dù Chính phủ đã nhanh chóng cấp gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ 20 triệu người lao động trong các doanh nghiệp mất việc làm, người được bảo trợ, người lao động tự do, người nghèo và cận nghèo… nhưng còn nhiều lắm những người phải thắt lưng buộc bụng, ăn bữa nay lo bữa mai vì không kiếm ra tiền, vì thế ở bất cứ điểm phát từ thiện, miễn phí nào cũng không ít người đến nhận hỗ trợ, dù ít hay nhiều, kể cả khi đã ngừng thực hiện giãn cách xã hội bởi việc trở lại trạng thái “bình thường mới” cũng cần phải có thời gian.
Một điều đáng quí, tinh thần tương thân tương ái ấy không chỉ thể hiện trong nước mà ở cả nước ngoài. Người Việt Nam ở nước Đức, Mỹ, Nga, Pháp và các nước khác đã không ngại sự nguy hiểm của dịch bệnh, tập hợp nguồn lực và công sức để may khẩu trang, làm thực phẩm ăn sẵn gửi cho các y bác sỹ ở các bệnh viện để động viên họ vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc chiến chống dịch COVID-19, nơi mà mỗi ngày họ phải tiếp xúc với hàng ngàn bệnh nhân và không ít người đã ngã xuống trong cuộc chiến thầm lặng. Cộng đồng Người Việt ở các nước cũng giúp đỡ nhau, giúp các bạn học sinh, sinh viên, người lao động, người cơ nhỡ do đi du lịch, đi công tác không kịp về nước khi các nước ra lệnh “đóng cửa” chống dịch, “ở đâu ngồi yên đó”, “làm việc tại nhà”. Trong nước, các tổ chức, cá nhân, từ Chính phủ, bộ ngành đến các đoàn thể nhân dân, người dân, doanh nghiệp, cựu sinh viên, Hội Phụ huynh có con du học đều quan tâm đến việc hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người Việt đang ở nước ngoài và ngành Y tế các nước, nhất là các nước bị dịch bệnh hoành hành nặng nề như Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Ấn Độ và các nước láng giềng như Lào, Cam-pu-chia, Myanma… Hàng ngàn tấn thiết bị y tế như khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ y tế, dung dịch sát khuẩn… đã được Chính phủ, Hội CTĐ Việt Nam, Hội hữu nghị các nước và các doanh nghiệp hào phóng gửi tặng cho chính phủ và nhân dân các nước, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế và tinh thần quốc tế cao cả. Lòng nhân ái không có giới hạn của người Việt Nam một lần nữa lại tỏa sáng mặc dù đất nước cũng đang rất gian nan chống dịch bệnh. Đúng là trong gian khó càng thấy rõ Đảng và Chính phủ luôn vì dân và lo cho dân, không bỏ rơi khi dân cần Đảng, Chính phủ. Tình đoàn kết, trách nhiệm chung với cộng đồng quốc tế được đề cao và thật xứng đáng khi Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã được cả thế giới ca ngợi về sự chân thành và bao dung ấy.
Không chỉ vậy, người Việt ở khắp thế giới, khi gặp khó khăn, muốn trở về với quê hương, đất Mẹ Việt Nam cũng giang rộng vòng tay đón họ trở về dù tốn kém, khó khăn bội phần do đất nước còn nghèo, công cuộc chống dịch và phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Hình ảnh những chuyến bay của Hàng không Việt Nam bay đến các “tâm dịch” để đón công dân Việt Nam ở các nước trở về, sau đó các phi công, tổ lái, tiếp viên, người phục vụ trên chuyến bay đều phải đi cách ly nhưng ai cũng xung phong và tự hào được chọn tham gia chuyến bay đã để lại sự cảm phục, biết ơn và tự hào của nhân dân đối với họ - những “chiến sỹ trên bầu trời”. Đặc biệt, khi biết Bệnh nhân số 91 (người Anh), 43 tuổi, phi công Hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn nguy kịch, chỉ khi được ghép phổi mới có thể sống sót, hơn 60 người Việt Nam đã đăng ký hiến phổi cho người phi công này khi biết anh mồ côi cha mẹ, chưa lập gia đình và không có người thân, đó là nghĩa cử cao cả, là minh chứng cao đẹp nhất cho tinh thần tương thân, tương ái, sự bao dung không biên giới của người Việt.
Tuy vậy, đi ngược với các giá trị sẻ chia và gắn kết vô cùng quí giá trong thời gian dịch bệnh, mang chúng ta xích lại gần nhau, còn có những việc, những kẻ khiến đại dịch tồi tệ hơn bởi những hành động ngu ngốc. Từ điển Anh ngữ đã thêm vào một từ mới đó là “Covidiot”: Sự kết hợp giữa “COVID-19” và “Idiot” (kẻ ngu ngốc) để ám chỉ những người cố tình phớt lờ các qui tắc xã hội, gieo rắc mầm bệnh khắp nơi, những kẻ mua sắm quá mức cần thiết, tích trữ hàng hóa khiến người khác hoảng loạn, những kẻ kỳ thị người đeo khẩu trang, trốn cách ly xã hội, tham gia tụ tập đông người gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Và đáng căm giận hơn là những kẻ lợi dụng chính sách, kẽ hở để trục lợi cá nhân, từ mua sắm trang thiết bị y tế, khẩu trang, nhu yếu phẩm hay bớt xén tiền trợ cấp cho người nghèo… Xã hội cần lên án mạnh mẽ để thế giới không có nhiều những Covidiot như vậy dù ở nước giàu văn minh hay nước nghèo lạc hậu vì ở đâu họ cũng là người khiến cho đại dịch tồi tệ thêm.
COVID-19 chắc chắn sẽ qua đi nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Chính vì vậy chúng ta cần phải nghĩ đến nhau và nghĩ đến cả những người trong hoàn cảnh khó khăn hơn chúng ta để cùng chung tay hành động. COVID-19 là cơ hội để mỗi đất nước, mỗi xã hội, mỗi gia đình, mỗi con người nhìn thấy “lỗ hổng”, khiếm khuyết để sửa chữa, tìm thấy giá trị đích thực để cuộc sống tiếp diễn ở trạng thái ổn định, bền vững, để tất cả chúng ta không phải trải qua một đại dịch như vậy trong tương lai.
Sau cơn mưa trời lại hửng sáng!
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dai-dich-covid-19-tu-goc-nhin-nhan-dao-a11.html