Những giao dịch ngoại tệ bị cấm nhưng vẫn 'nhộn nhịp' ở Việt Nam

(NĐ&ĐS) - Việc mua bán ngoại tệ ở thị trường tự do vốn là hành vi bị cấm nhưng thực tế cho thấy vi phạm này vẫn khá phổ biến.

Những ngày qua, vụ một người dân ở TP Cần Thơ bị "phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD" tại một tiệm vàng không được cấp phép thu đổi ngoại tệ đã nhận được sự quan tâm của dư luận. 

Doi-Ngoai-Te
Những giao dịch ngoại tệ bị cấm nhưng vẫn phổ biến ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Trước đây, nhằm tránh tình trạng đôla hóa nền kinh tế và khó kiểm soát trong giao dịch, việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam đã được siết chặt sau khi Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 có hiệu lực. Theo đó, với ngoại tệ tiền mặt, cá nhân chỉ có quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép. 

Ngoài những nội dung trên, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo đều không được thực hiện bằng ngoại hối, nhưng thực tế các hoạt động này lại vẫn diễn ra công khai. Bên cạnh đó, các hình thức vi phạm khác cũng thường xuyên xuất hiện như niêm yết bằng ngoại tệ, quảng cáo bằng ngoại tệ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. 

Mua bán ngoại tệ ở "chợ đen"

Việc mua bán ngoại tệ ở thị trường tự do (chợ đen) vốn là hành vi bị cấm nhưng lại là một trong số những vi phạm phổ biến nhất hiện nay.

Theo Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người. Tuy nhiên, nếu muốn đổi sang tiền đồng hoặc sử dụng để giao dịch, việc bán ngoại tệ phải được thực hiện tại ngân hàng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý. 

Trường hợp của một cá nhân tại Cần Thơ mới đây bị xử phạt 90 triệu đồng sau khi nhận 100 USD từ người nhà và đi đổi tại một tiệm vàng là hình thức vi phạm khá phổ biến. 

Niêm yết giá bằng ngoại tệ

Một hình thức vi phạm khác vẫn thường xuyên xuất hiện là niêm yết bằng đồng ngoại tệ.

Điều 4, Thông tư 32/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định chỉ có 7 trường hợp được phép niêm yết giá bằng ngoại tệ, trong đó có thể chia thành 4 nhóm chính là các đơn vị được phép tại các cửa khẩu quốc tế; các ngân hàng, tổ chức kinh doanh ngoại hối được cấp phép; các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng không, khách sạn, du lịch và các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự.

Tuy nhiên, tại những thành phố du lịch hay thậm chí cả những thành phố lớn, việc niêm yết bằng ngoại tệ vẫn diễn ra thường xuyên và trong tình trạng khó kiểm soát. 

Quảng cáo bằng ngoại tệ

Quảng cáo bằng ngoại tệ cũng là một hình thức vi phạm diễn ra phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kinh doanh vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng tiền đồng và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành chỉ sử dụng tiếng nước ngoài (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ).

Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp các đơn vị chỉ niêm yết giá trực tiếp bằng ngoại tệ mà bỏ qua phần tiền đồng tương đương hoặc quảng cáo bằng ngoại tệ trên các thông tin không được phép.

Nhiều vụ việc vi phạm cũng chỉ đơn giản từ việc đổi ngoại tệ do được cho hoặc nhận quà. Tuy nhiên, không ít những vi phạm do lỗi cố ý, dù vậy khung hình phạt với hành vi này hiện nay chưa có sự phân rõ rạch ròi từng hình thức hay mức độ vi phạm. Vì thế, theo nhiều luật sư cần xây dựng những chế tài xử lý, những khung hình phạt với từng hành vi và quy mô giao dịch cụ thể.

Hàn Trầm

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-giao-dich-ngoai-te-bi-cam-nhung-van-nhon-nhip-o-viet-nam-a10853.html