Tại họp báo chiều 30/7 mới đây về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016.
Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200 đến 400% so với tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến 200% so với năm 2017.
Cụ thể, tại cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) tính đến ngày 25/7/2018 có 3.579 container phế liệu tồn tại, trong đó có 2.423 container tồn quá 90 ngày.
Ở cảng Hải Phòng, tính đến ngày 5/7/2018 còn tồn 1.485 container (trong đó 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với ngày 5/6/2018). Trong đó, có 853 container tồn đọng quá 90 ngày.
Siết chặt nhập khẩu phế liệu
Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.
“Về phía doanh nghiệp, một số hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng đã ý thức được nguy cơ và rủi ro trong nhập khẩu phế liệu nên đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận hàng hóa là phế liệu đã góp phần giảm đáng kể mức độ hàng hóa tồn đọng tại cảng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết: Mặt hàng phế liệu là mặt hàng đặc thù, phải lấy mẫu ở 4-5 điểm trong container để kiểm tra xem hàng hóa đó có thực sự đảm bảo yêu cầu hay không. Do đó, để kiểm tra đầy đủ đúng quy trình, phải rỡ bỏ hết hàng từ container xuống, nhưng khó khăn là cảng không còn đủ chỗ lấy mẫu, nếu như mở tung hết các container ra sẽ không có chỗ để.
Rất khó để phát hiện ngay được doanh nghiệp nào thực sự được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận trong nhập khẩu nguyên liệu phế liệu để sản xuất. Cơ quan hải quan không đối chiếu được theo Thông tư 41 do chỉ có giấy bản sao chứng thực và bản photo giấy mua bán lô hàng để kiểm tra thông quan.
“Tổng cục Hải quan đang kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường công bố danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trên cổng thông tin mở cửa quốc gia để cơ quan hải quan có đủ tư liệu đối chiếu”, ông Thành cho biết.
Trước tình trạng trên, ngày 5/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn 5290/VPCP-KTTH yêu cầu quản lý chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan hải quan cũng chủ động xây dựng và triển khai ngay các kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.
Nhằm bảo vệ môi trường, không để Việt Nam trở thành bãi rác phế liệu, không tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ Việt Nam nhưng không có người nhận, cơ quan hải quan đã thực hiện nhiều biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu.
Trong đó, có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn môi trường vào lãnh thổ trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hàng hóa.
Về công tác kiểm soát phế liệu nhập khẩu, Cục Điều tra chống buôn lậu đang chủ trì triển khai kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu” từ 1/2016 đến 5/2018. Theo đó, cơ quan điều tra tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm gồm: Làm giả giấy xác nhận khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu; Làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền, làm giả, sửa chữa giấy xác nhận ký quỹ nhập khẩu phế liệu. Cung cấp văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu không hợp lệ (làm giả hoặc pháp nhân cung cấp văn bản chứng nhận không có chức năng).
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 6 điều 58 của Luật Hải quan. Cụ thể, đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Đ.T
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/khong-de-viet-nam-tro-thanh-bai-rac-phe-lieu-a10757.html