Theo ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào tháng 12/2015, đà tăng trưởng kim ngạch thương mại của hai nước đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Hàn Quốc là thị trường cạnh tranh và có yêu cầu cao về giá trị. Từ ngày 1/1/2017, Hàn Quốc đã tiến hành áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật có trong quả hạt có dầu và hoa quả nhiệt đới. Bởi vậy, cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin để đánh giá được nhu cầu, xu hướng đối với từng nhóm mặt hàng, sản phẩm dự định xuất khẩu sang quốc gia này để tận dụng ưu đãi từ các FTA.
Ông Lee Soon-Ho, Đại diện Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông tin, Hệ thống Danh mục Hợp quy của Hàn Quốc bao gồm 370 loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc, trong đó có gần 140 loại thuốc hiện chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng tại Hàn Quốc.
Ông cũng khuyến cáo thêm đối với các doanh nghiệp Việt Nam: “Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng rà soát hàng trái cây xuất khẩu xem có sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng tại Hàn Quốc. Khi đã xác định được, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nộp hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn an toàn về dư lượng đến Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, để loại thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng được xem xét tiêu chuẩn hóa”.
Theo bà Bùi Kim Thùy, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thành viên Ban đàm phán VKFTA, cho biết Hàn Quốc có những quy định phức tạp về kiểm dịch đối với mặt hàng nông sản thực phẩm như các yêu cầu về nuôi trồng, kiểm tra chứng nhận và các biện pháp xử lý tại chỗ. Do đó, hiểu biết các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại Hàn Quốc sẽ giúp cung cấp được sản phẩm ổn định chất lượng, hạn chế bị trả lại hàng, rút ngắn thời gian kiểm dịch.
Để làm rõ hơn việc Hàn Quốc áp dụng tiêu chuẩn về mức dư lượng của hóa chất nông dược đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – Cục Chế biến phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, bất kỳ sản phẩm nông sản hàng hóa nào cũng cần phải nghiên cứu những bộ thuốc sử dụng đối với sản phẩm, làm giảm thiểu tối đa dư lượng còn tồn đọng trên sản phẩm đó. Đồng thời xem xét thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo không để lại dư lượng trên các sản phẩm.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, trong hơn 25 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại song phương hai nước Việt – Hàn đã tăng trưởng vượt bậc, năm 2017 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 61,5 tỷ USD, tăng gấp 123 lần so với năm 1992 kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, chiếm 14,4% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam ra thế giới. Song hành với dòng đầu tư ngày càng chất lượng từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, Hàn Quốc trở thành đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Chính vì vậy, để tăng giá trị thương hiệu cho nông sản của nước ta, chúng ta cần phải đáp ứng được các quy chuẩn an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu, không chỉ ở riêng Hàn Quốc mà cả ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Úc... Đây là vấn đề tất yếu, bởi nếu không vượt qua được rào cản này, hàng hóa, nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất đi thương hiệu và tính cạnh tranh của mình.
Thùy Linh (t/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/xuat-khau-nong-san-sang-han-quoc-phai-chiu-quy-trinh-kiem-tra-gat-gao-a10711.html