Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, phần lớn các nhà máy đã bán hết nhân điều trong 5 tháng đầu năm, lượng nhân điều cho xuất khẩu không còn nhiều.
Nhiều nhà máy chế biến hạt điều Việt Nam, chủ yếu là các nhà máy quy mô nhỏ tại Long An, Bình Phước phải ngừng hoạt động, đóng cửa vì không còn nguyên liệu điều thô để chế biến nhân điều xuất khẩu.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thông tin, tại Long An đã có 12/33 doanh nghiệp chế biến hạt điều đóng cửa sản xuất. Ở Bình Phước, số nhà máy chế biến hạt điều ngừng hoạt động lên tới 70%-80%, một số địa phương khác hàng loạt nhà máy chế biến hạt điều cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Ngoài những nhà máy chế biến hạt điều quy mô công suất nhỏ phải đóng cửa, một số doanh nghiệp lớn dù đang hoạt động nhưng công suất cũng không lớn vì hạn chế về nguồn cung nguyên liệu điều.
Trước tình hình trên, dự báo giá xuất khẩu nhân điều của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới, do nhu cầu cuối năm tăng và nguồn cung hạn hẹp.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 6, xuất khẩu hạt điều đạt 159,3 nghìn tấn, trị giá 1,555 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều trong nửa đầu tháng 6/2018 đạt 9.072 USD/tấn, giảm 3,5% so với nửa đầu tháng 5/2018 và giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện tại giá xuất khẩu nhân điều của Việt Nam chỉ còn 4,1 - 4,3 USD/pound, thấp hơn nhiều so với mức giá cao nhất 5,1 - 5,3 USD/pound cùng kỳ năm 2017.
Năm 2017, ngành điều đã chi 2,53 tỷ USD để nhập khẩu điều nguyên liệu kim với ngạch đạt khoảng 2,53 tỷ USD, tăng 22,8% về lượng và tăng 52,8% về trị giá so với năm 2016.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trong 30 năm qua, ngành điều đã vươn lên thành một ngành mũi nhọn trong nông sản với tổng sản lượng chế biến năm 2017 đạt 353.000 tấn, trị giá xuất khẩu đạt 3,52 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành điều Việt Nam đang bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Trong vòng 30 năm qua, điều là cây công nghiệp duy nhất đã bị giảm diện tích, từ 440.000 ha năm 2008 xuống chỉ còn hơn 300.000 ha.
Diện tích trồng điều bị thu hẹp, cùng với thời tiết khô hạn kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn cung. Vấn đề này nếu không được khắc phục kịp thời trong thời gian tới diện tích trồng điều sẽ tiếp tục suy giảm, khi đó Việt Nam sẽ phải lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Thùy Linh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nganh-che-bien-hat-dieu-chat-vat-vi-thieu-nguyen-lieu-a10710.html