Theo Báo cáo “Viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu” của WB vừa công bố ngày 6/6 dự báo, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2018, điều chỉnh tăng 0,3% so với mức 6,5% mà tổ chức này đưa ra trong báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vào tháng 4/2018.
Đồng thời, WB nhận định, lạm phát dù đã tăng lên nhưng vẫn ở dưới mức mục tiêu đề ra của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên về trung hạn, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ giảm dần, chỉ quanh mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020. Kết quả này có được là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của nông nghiệp và sản xuất định hướng xuất khẩu. Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào mạnh mẽ nhờ được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng và các nỗ lực chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài.
Tương tự, trên bình diện toàn cầu, WB dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 3,1% năm 2018 nhưng sau đó sẽ giảm tốc trong 2 năm tiếp theo do tăng trưởng giảm tại các nền kinh tế phát triển và tốc độ hồi phục tại các nền kinh tế mới nổi và xuất khẩu nguyên vật liệu đi dần theo chiều ngang.
Cụ thể, WB dự báo các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng 2,2% năm 2018, sau đó giảm xuống còn 2% năm 2019 do các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm dần kích cầu.
Trong khi đó, mức tăng trưởng chung tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ tăng và đạt mức 4,5% năm 2018, sau đó lên 4,7% năm 2019 do tốc độ hồi phục tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu và giá nguyên vật liệu sẽ cân bằng dần sau đợt tăng giá năm nay.
Tuy nhiên, triển vọng này cũng phụ thuộc nhiều vào các rủi ro tiêu cực có xảy ra hay không. Như thị trường tài chính có khả năng sẽ bất ổn hơn nên mức độ ảnh hưởng lên các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng tăng lên. Bên cạnh đó, tâm lý bảo hộ mậu dịch tăng lên, đồng thời các bất ổn chính sách và rủi ro địa chính trị cũng gia tăng.
“Nếu duy trì được mức tăng trưởng mạnh như đã thấy trong năm nay thì hàng triệu người có thể thoát nghèo, nhất là tại các nước tăng trưởng nhanh khu vực Nam Á”, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm WB nói và cho biết thêm: “Nhưng tăng trưởng chưa đủ để giải quyết vấn đề nghèo cùng cực tại một số nơi trên thế giới. Các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách duy trì tăng trưởng dài hạn nhờ tăng năng suất và tạo thêm việc làm để đẩy nhanh quá trình xóa bỏ tình trạng nghèo đói và thúc đẩy chia sẻ thịnh vượng”.
Dài hạn hơn, báo cáo cảnh báo viễn cảnh giảm nhu cầu toàn cầu về nguyên vật liệu có thể làm giảm giá nguyên vật liệu và tác động lên viễn cảnh tăng trưởng các nước xuất khẩu và lâu dài sẽ gây khó khăn cho 2/3 số nước đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên vật liệu.
Do đó, theo ông Shantayanan Devarajan, Giám đốc cao cấp về kinh tế phát triển của WB, điều đó càng đòi hỏi các nước phải đa dạng hóa kinh tế và tăng cường khung tài khóa và tiền tệ.
Báo cáo cũng cảnh báo, vấn đề nợ doanh nghiệp tăng tại một số nước sẽ gây quan ngại về ổn định tài chính và tác động lên tình hình đầu tư.
“Các nhà hoạch định chính sách tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần chuẩn bị tinh thần ứng phó với bất ổn trên thị trường tài chính khi các nền kinh tế phát triển tăng tốc bình thường hóa chính sách tiền tệ”, ông Ayhan Kose, Giám đốc Ban Viễn cảnh kinh tế của WB nói. “Nợ tăng làm cho các nước dễ bị tổn thương hơn trước viễn cảnh tăng lãi suất. Chính vì vậy càng cần phải tạo khoảng đệm để đối phó với các cú sốc về tài chính”.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhận định, tín hiệu đáng mừng nhất là sau nhiều năm ảm đạm, dự báo tăng trưởng dài hạn đã ổn định trở lại và đây có thể là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế toàn cầu cuối cùng đã thoát khỏi cái bóng của cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước.
Chi Chi (t/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/kinh-te-viet-nam-co-the-dat-muc-tang-truong-68-a10684.html