Trong 5 năm vừa qua, Australia luôn duy trì mức tăng nhập khẩu hàng dệt may từ 3-5%/năm. Trong năm 2017, quốc gia này cũng đã nhập khẩu tới 9,32 tỷ USD giá trị hàng dệt may từ thị trường thế giới. Tính cả năm 2017, Việt Nam xuất siêu 200 triệu USD sang thị trường Australia, tăng trưởng dưới 10%/năm.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2017 vào khối CPTPP đạt trên 4,8 tỷ USD, chiếm 9,07% thị phần, tiềm năng phát triển xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào khối CPTPP nói chung và thị trường Australia nói riêng là rất lớn.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, hiện nay tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị Australia chỉ dưới 10%.
“Hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Australia được 173 triệu USD, tương đương 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Australia. Để khai thác hiệu quả thị trường Australia, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải tích cực quảng bá, tiếp cận thị trường mà còn cần hiểu đặc điểm riêng của thị trường Australia” - ông Cẩm lưu ý.
Theo các chuyên gia, để khai thác hiệu thị trường Australia, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải tích cực quảng bá, tiếp cận thị trường mà còn cần hiểu đặc điểm riêng của thị trường Australia.
Vài năm gần đây mới đã có một số doanh nghiệp bắt đầu quan tâm tìm kiếm khách hàng Australia bằng việc tham gia vào các Hội chợ, triển lãm tại đây.
Tuy nhiên, theo VITAS, do những đơn hàng khởi đầu thường khá nhỏ để xem xét nguồn cung và mức độ tiếp cận của người tiêu dùng nên một số doanh nghiệp chưa mặn mà, nhưng thực ra nếu mọi thứ ổn thì sẽ có đơn hàng lớn hơn nhiều.
Đại diện The Woolmark Company - ông Trần Văn Quyến cho hay: "Thách thức lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Australia là đòi hỏi chất lượng cao, thậm chí có những lĩnh vực còn yêu cầu cao hơn châu Âu và Mỹ. Do đó, doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng bền vững, ổn định. Hơn nữa, muốn XK vào Australia bắt buộc phải có và giới thiệu công khai chứng chỉ quốc tế về trách nhiệm xã hội trên website của doanh nghiệp".
Ông Trần Văn Quyến khuyến nghị, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cần sớm nâng cấp nhà máy sản xuất để được chứng nhận đủ điều kiện XK sang các nước phát triển. Tổ chức lại website mang tầm quốc tế, mở rộng tìm kiếm, khai thác nguồn nguyên liệu.
Theo cam kết trong CPTPP, lộ trình giảm thuế nhập khẩu hàng dệt may của Australia khá nhanh là điều kiện tốt giúp dệt may Việt Nam thúc đẩy XK, đạt mức tăng trưởng 2 con số sang thị trường này.
Thùy Linh (t/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhieu-ky-vong-xuat-khau-hang-det-may-vao-thi-truong-australia-a10662.html