Những vụ mất tiền liên tiếp trong thẻ ATM gần đây

Trong khi ngân hàng liên tục đề xuất tăng phí dịch vụ, thẻ ATM thì liên tiếp các vụ tiền trong thẻ “bốc hơi” làm không ít người hoài nghi về chất lượng dịch vụ ngân hàng hiện nay.

"Không chỉ ở Việt Nam mà tại những quốc gia phát triển, hệ thống ngân hàng hoàn thiện vẫn xảy ra mất tiền trong thẻ thường xuyên. Quan trọng là khi xảy ra sự cố, cách giải quyết của nhà cung cấp dịch vụ đó như thế nào", một chuyên gia từng nói với Zing.vn về vấn đề bảo mật trong dịch vụ ngân hàng.

12 người mất tiền trong đêm

Gần đây những vụ mất tiền trong tài khoản, thẻ ngân hàng diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, mới nhất là sự kiện 12 khách hàng của Agribank tại Hà Nội đồng loạt mất tiền trong một đêm thông qua các giao dịch rút tiền tại cây ATM.

Sự việc bắt đầu từ đêm 25/4, khi các khách hàng nhận được tin nhắn qua điện thoại báo tài khoản đang liên tục bị rút tiền. Các nạn nhân đã lập tức báo phía ngân hàng để khóa tài khoản. Tuy nhiên, sau khi ngân hàng xác nhận đã khóa toàn bộ, đến đêm cùng ngày một số tài khoản vẫn bị rút tiền.

Những vụ mất tiền liên tiếp trong thẻ ATM gần đây
Agribank cho biết đã bồi hoàn lại số tiền bị rút mất của 12 khách hàng trong sự cố gần đây. Ảnh: T.P.

Do hạn mức rút tối đa mỗi ngày của tài khoản tại Agribank là 25 triệu đồng, nên kẻ gian đã không thể tiếp tục rút tiền trong ngày. Để đảm bảo không thất thoát số tiền còn lại, các khách hàng đã phải chờ qua thời điểm 24h để ra các cây ATM gần nhà rút nốt số tiền trong tài khoản của mình.

Sau khi xác minh, phía Agribank đã chuyển hồ sơ sang phía cơ quan công an để điều tra làm rõ, đồng thời nhà băng cũng cũng bồi hoàn lại đầy đủ số tiền bị rút từ tài khoản của 12 khách hàng bị mất để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Mất tiền đêm 26 Tết

Trước đó, sự việc xảy ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2018, sáng 12/2, một số khách hàng của Vietcombank tại Thái Nguyên cũng nhận được nhiều tin nhắn thông báo rút tiền tại ATM dù thẻ vẫn nằm trong ví.

Các giao dịch đều diễn ra khoảng 2-5h sáng 12/2 với cùng một phương thức xem số dư trong tài khoản rồi mới thực hiện các giao dịch rút tiền với hạn mức 3 triệu đồng/giao dịch tại cây ATM của BIDV.

Những vụ mất tiền liên tiếp trong thẻ ATM gần đây
Các khách hàng tại Vietcombank Thái Nguyên đều thị đánh cắp tiền theo cùng một phương thức. Ảnh: NVCC.

Theo chia sẻ của các nạn nhân, trong vụ việc người mất ít thì vài triệu có người mất nhiều cũng lên tới vài chục triệu với cùng một phương thức.

Trong khi đó, Vietcombank chi nhánh Thái Nguyên cho biết sáng 12/2 chỉ có 2 khách hàng đến báo về việc mất tiền trong tài khoản. Đến chiều cùng ngày, một số khách hàng cho biết họ đã được nhà băng hẹn hoàn trả lại tiền muộn nhất vào 13/2 - ngày làm việc cuối cùng của nhà băng trước khi nghỉ Tết Mậu Tuất.

Mất gần trăm triệu trong thẻ ATM

Tháng 4/2017, sự việc hy hữu cũng xảy ra với tài khoản của anh Hoàng Minh Tâm (Hà Nội) khi bị rút hết gần 95 triệu đồng. Đáng nói, trong khi anh Tâm vẫn ở Hà Nội thì thẻ của anh bất ngờ xuất hiện 10 giao dịch rút tiền tại ATM Sacombank ở Công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP.HCM.

Theo đại diện nhà băng, sau khi tiếp nhận thông tin, ngân hàng đã rà soát và xác định nguyên nhân khách hàng bị mất tiền là do đã bị kẻ gian đánh cắp thông tin để làm thẻ giả rút tiền.

Những vụ mất tiền liên tiếp trong thẻ ATM gần đây
Kẻ gian thường lợi dụng đánh cắp thông tin khách hàng thông qua các cây ATM. Ảnh: Lê Hiếu.

Hệ thống camera giám sát tại ATM cũng đã ghi lại được hình ảnh kẻ gian rút tiền bằng thẻ giả. Sacombank sau đó đã hỗ trợ hoàn tiền cho khách hàng đồng thời chuyển các thông tin, hình ảnh liên quan và phối hợp với Công an công nghệ cao (C50) để điều tra.

Trường hợp khách hàng sử dụng thẻ ATM bị đánh cắp tiền trong tài khoản cũng xảy ra tại nhiều ngân hàng khác như BIDV, Vietinbank, DongABank hay Eximbank…

Nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm đầu tiên

Trong một cuộc nói chuyện với Zing.vn, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, người được xem là một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng số và bảo mật cho biết các vụ mất tiền thời gian qua chưa phải do lỗ hổng về hacker của hệ thống ngân hàng, mà hầu hết là do bị lợi dụng trong quá trình giao tiếp giữa những người dùng rồi để lộ mật khẩu, sau đó bị chiếm quyền sử dụng và bị đánh cắp tiền.

Ngoài ra, vị chủ tịch còn cho rằng có yếu tố con người từ trong nội bộ ngân hàng, vì công nghệ có cao đến đâu cũng cần có người đảm nhiệm một vị trí nào đó có thể tác động vào hệ thống. Nếu người đó tạo ra sự thất thoát cho khách hàng thì đó là trách nhiệm cá nhân.

Ông Thắng cũng cho rằng hành lang pháp lý của Nhà nước cần phân định rõ trách nhiệm mỗi bên và sau cùng là văn hóa ứng xử trong việc giải quyết sự cố, cùng tìm ra nguyên nhân để phân định trách nhiệm và đền bù.

“Những tập đoàn lớn như Visa, Mastercard hàng năm mất nhiều tiền lắm. Vì chỉ đi quẹt một cái là lộ hết cả số thẻ, mật mã rồi. Lên trên mạng có thể dễ dàng mua được cả triệu thông tin thẻ của Visa để lấy tiền. Nhưng đối với các tập đoàn này, nếu chứng minh được tôi không tiêu tiền thì họ sẽ trả lại ngay, nên biết có rủi ro thì người ta vẫn dùng”, ông Thắng chia sẻ.

Ngoài ra, vị chủ tịch cũng khẳng định đảm bảo an toàn cho khách hàng không phải của riêng ngân hàng mà bất kỳ dịch vụ nào cũng phải thực hiện. Đã cung cấp dịch vụ thì phải phục vụ tốt nhất và nếu xảy ra sự cố trên dịch vụ mình cung cấp thì phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên.

Theo Hoàng Thanh

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-vu-mat-tien-lien-tiep-trong-the-atm-gan-day-a10641.html