Tiếp tục bình ổn giá cả, thị trường sau dịp Tết Mậu Tuất 2018

(NĐ&ĐS) - Sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là thời điểm lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm có khả năng sẽ tăng. Để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong tháng 3 và quý II/2018, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá...

Theo báo cáo tổng hợp của cơ quan quản lý giá (Bộ Tài chính), dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 diễn ra muộn vào thời điểm giữa tháng 2/2018. Các hoạt động sản xuất, dự trữ hàng phục vụ Tết đã diễn ra nhộn nhịp từ những tháng cuối năm 2017, cho đến trước Tết Mậu Tuất 2018.

Tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hàng năm vào dịp Tết, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán của người dân.

Bên cạnh đó, nhiều siêu thị mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ mua sắm Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cao điểm, nên nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn. Sức mua dịp Tết Mậu Tuất 2018 tăng từ 12%-15% (so với ngày thường) và tăng 10% (so với Tết Đinh Dậu 2017). Sức mua tăng chủ yếu do các yếu tố như kinh tế 2017 tăng trưởng tốt, sản xuất công nghiệp; tình hình hoạt động của doanh nghiệp khả quan, lạm phát ở mức thấp và các chính sách thực hiện bình ổn thị trường...

anh gia ca
Tiếp tục bình ổn giá cả, thị trường sau dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng nhẹ từ sau ngày 15 tháng chạp (thời điểm cúng rằm cuối năm), tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp từ 25 – 30% so với ngày thường (Tết Ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng mạnh trong những ngày cận Tết (từ 28 - 29 ÂL) do năm nay thời gian nghỉ Tết ngắn (người lao động chỉ được nghỉ 7 ngày Tết). Nhu cầu mua sắm của người dân trong thời điểm này tập trung chủ yếu ở các mặt hàng phục vụ thăm hỏi, chúc Tết, cúng Tết như bia, rượu, nước giải khát, ngũ quả, thực phẩm tươi sống, đồ cúng...

Bước sang những ngày đầu năm mới, từ sau giữa T2/2018, hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết; Một số siêu thị đã bắt đầu mở cửa ngay từ mùng 1 Tết (ở Hà Nội như: chuỗi siêu thị AEON Mall, Fivimart Long Biên; hay như Lotte Mart Tp Hồ Chí Minh...) để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết, một số siêu thị, chợ truyển thống đã mở cửa đón khách trở lại, các cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán ‘lấy ngày’ đầu năm; vào mùng 4 và mùng 5 Tết, hoạt động mua bán dần trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe...

Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là thời điểm lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm có khả năng sẽ tăng. Để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong tháng 3 và quý II/2018, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá như: Theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân.

Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết. Đồng thời đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.

Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, việc triển khai chương trình bình ổn giá cả thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình với 1.300 điểm bán hàng, hai tổ chức tín dụng tham gia cho vay lãi suất ưu đãi với số vốn 2.100 tỷ đồng.

Thành phố đã tập trung tổ chức 10 phiên chợ bán hàng Việt, 300 chuyến hàng lưu động, tổ chức tháng khuyến mại Hà Nội năm 2017… Đồng thời hỗ trợ, cấp phép cho 111 chuyến xe chở hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24 giờ trong khu vực nội thành để bảo đảm vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2018.

Đại Lộc

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tiep-tuc-binh-on-gia-ca-thi-truong-sau-dip-tet-mau-tuat-2018-a10476.html