Nhập khẩu hoa quả tăng 87%
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu rau quả 6 tháng đầu năm nay ước đạt 655 triệu USD (tương đương 14.890 tỷ đồng), tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng trái cây chiếm khoảng 507 triệu USD, tương đương 11.525 tỷ đồng. Khoảng hai năm trở lại đây, Thái Lan vượt mặt Trung Quốc để vươn lên ngôi vị dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trái cây vào Việt Nam. Giá trị nhập khẩu từ Thái Lan tăng gấp đôi so với cùng kỳ và chiếm đến 57,5% thị phần. Như vậy, Việt Nam đã chi hơn 376 triệu USD, tương đương khoảng 8.560 tỷ đồng để nhập khẩu trái cây từ quốc gia láng giềng này trong nửa đầu năm nay. Đáng chú ý là nước này phần lớn xuất khẩu sang Việt Nam những loại trái cây mà trong nước trồng được, như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, me, xoài...
Mỗi ngày, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, có khoảng 500 tấn trái cây ngoại nhập về, trong đó các loại trái cây có xuất xứ Thái Lan chiếm gần 50%. Mẫu mã bắt mắt, thậm chí giá cả rẻ hơn trái cây trong nước, nên ngay cả những sản phẩm cùng loại với Việt Nam như măng cụt, xoài, chôm chôm…, sản phẩm của Thái Lan vẫn là mặt hàng được ưa chuộng. Còn tại các siêu thị, chỉ chưa tới 100.000đ, người tiêu dùng có thể mua các loại trái cây ngoại nhập từ Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nam Phi, Australia… Mỗi ngày, siêu thị Big C Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 tấn trái cây ngoại nên đơn vị đã chính thức nhập trái cây trực tiếp từ nước sản xuất. Một thương lái kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối Long Biên cho biết: Trái cây Thái Lan nhập khẩu có vị ngọt, hợp với thị hiếu người Việt. Trái cây khi xuất sang Việt Nam được đóng thùng, trọng lượng từ 10-15 kg và phân loại kích cỡ, tương ứng với nhiều giá bán khác nhau. Trái cây Thái không chất bảo quản nên được khách hàng tin tưởng. Sau vài ngày, trái cây xuống màu, hỏng từ ngoài vào trong chứ không như hàng dùng thuốc bảo quản, bên ngoài tươi, bên trong hỏng.
Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (Cần Thơ), đánh giá: "Việc hàng Thái áp đảo cũng dễ hiểu do người tiêu dùng Việt mất niềm tin vào hàng nội. Như măng cụt, dân trong nghề hay gọi là hàng vô giá, tức giá nào cũng có, còn chất lượng thì hên xui. Người mua măng cụt thường 10 quả thì hư đến 9, nếu hư vài ba quả được xem là may mắn nên khách hàng mất niềm tin. Măng cụt mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ nên người trồng có xu hướng bón phân và xịt thuốc nhiều để tăng năng suất, trong khi đây là loại cây rất nhạy cảm với hóa chất, dùng quá liều, trái có hiện tượng xì mủ, sượng. Sầu riêng cũng vậy, người mua khó chọn được quả ngon. Người Thái trồng cây ăn trái cũng dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhưng liều lượng vừa phải. Hơn nữa, họ cũng có trách nhiệm với người tiêu dùng, khi trái gần chín mới hái, không như Việt Nam, hễ thương lái đến mua là thu hoạch một lần, non hay già cũng hái sạch".
Chị Dương Thanh Hương, ở quận Hai Bà Trương (Hà Nội), cho biết, trước đây chị thường hay mua trái cây trong nước ở các chợ gần nhà, mùa nào thì mua quả nấy. Nhưng khi nghe thông tin trái cây nội bị tiêm thuốc thì thấy sợ và chuyển sang mua trái cây nhập khẩu. Tuy giá có đắt hơn một ít nhưng lại đảm bảo. Hơn nữa, trái cây nhập nhìn cũng bắt mắt, chẳng hạn như so với cam ở trong nước, quả cam Mỹ thường to, màu đẹp, mọng nước, vỏ vàng tươi, hay như nho, các loại nho thường to, rất ngọt, trong khi đó nho Việt thường nhỏ, có vị chua. Bên cạnh đó, quy trình kiểm soát của nước ngoài vẫn tốt hơn nhiều so với Việt Nam.
Vì sao sức cạnh tranh kém?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến trái cây ngoại được ưa chuộng là do người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng trái cây trong nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến trái cây Việt chưa đến được với người tiêu dùng.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, trái cây Việt hiện nay bị trái cây ngoại lấn chiếm ngay trên thị trường “sân nhà” vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất giải thích cho mọi vấn đề đó chính là sức cạnh tranh kém, cạnh tranh ở đây chỉ ra 3 vấn đề, đó là từ các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và quảng bá, tiếp thị sản phẩm chúng ta đều “thua kém” các nước.
Ở khâu chăm bón, thu hoạch, trái cây Việt thực sự chưa được chăm sóc đúng kỹ thuật chuẩn 100% như trái cây ở các nước Mỹ, Pháp, Hàn Quốc… cho tới khi đóng thùng thì trái cây ngoại cũng được bảo quản kỹ lưỡng. Đó là lý do khiến trái cây ngoại luôn giữ được vẻ ngoài bắt mắt, được trưng bày tại các siêu thị lớn, trong khi đó trái cây Việt bị cho vào thùng, vào sọt, sau đó đưa ra các chợ để bán với giá rẻ.
Còn ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng: Trong khi Việt Nam mới chỉ tập trung vào sản xuất thì các nước đều có nghiên cứu rất tỉ mỉ về thị trường. Ngay từ cách đóng gói cũng rất khác biệt, bởi thế ngay cả những sản phẩm cùng loại với Việt Nam thì họ vẫn có chỗ đứng với giá cao gấp nhiều lần. Một bài học kinh nghiệm là sản xuất trong nước phải mạnh lên, sản xuất phải gắn với phân phối, hệ thống phân phối lại tác động trở lại sản xuất tích cực, để phản ánh nhu cầu tiêu dùng nội địa để năng suất vươn lên. Theo ông Phạm Quốc Bảo, Giám đốc Công ty quốc tế Sao Nam (Sancopack), một trong những nguyên nhân khiến nông sản bị tổn thất là do khâu bảo quản nông sản của Việt Nam còn khá hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, việc phát triển công nghệ bảo quản cho nông sản là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp nông dân giảm được tổn thất về số lượng và chất lượng, đồng thời đóng góp tích cực trong việc duy trì chất lượng nông sản.
Nhìn lại ngành hàng rau quả, trong vài năm gần đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có bước phát triển khá mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng dần qua các năm và tăng trên 30% trong năm 2016. Tuy vậy, có đến 65% giá trị xuất khẩu rau quả nằm ở thị trường Trung Quốc. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, nếu vận chuyển qua đường biên giới thì chỉ cần 3-5 ngày để giao hàng nên các doanh nghiệp ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Đây cũng là lý do chính khiến xuất khẩu rau quả các thị trường khó tính mặc dù đã có nhiều cải thiện, song vẫn còn khá hạn chế.
Để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt, chúng ta cần tổ chức sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng sản xuất lớn, hàng hóa; ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm chất lượng tốt, đồng đều, liên tục trong năm; giảm chi phí đầu vào, tinh gọn chuỗi giá trị và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, nhất là tăng tính chuyên nghiệp, độc quyền sản phẩm và đa dạng giống mới, độc chiêu. Nếu như chúng ta làm tốt được những khâu này thì trái cây Việt Nam sẽ giữ vững được thị trường và có thể cạnh tranh xuất khẩu sang các nước.
Nhiều nhà khoa học và các nhà nghiên cứu đều cho rằng, phải cải thiện chuỗi cung ứng trái cây, trong đó các doanh nghiệp cần liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác trái cây để tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh nâng cao chất lượng của trái cây thông qua việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP/GLlobalGAP, sản xuất rải vụ trái cây để tăng khả năng cạnh tranh với các nước có sản xuất cùng ngành hàng như Thái Lan, Úc, hay New Zealand... trên thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho một số loại trái cây để xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm.
Trung bình mỗi ngày người Việt chi 61 tỷ đồng để nhập khẩu hoa quả. Điều đáng nói là có đến 60-70% sản phẩm nhập khẩu trùng với những sản phẩm sản xuất trong nước. Điều này đã tạo ra áp lực cho người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhưng đây cũng là cơ hội để thay đổi, việc quả vải lần đầu tiên lội ngược dòng tiếp cận sang thị trường Thái Lan nhờ chất lượng và mẫu mã có thể coi là một bài học.
Ngô Hoàng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/trai-cay-noi-thua-ngay-tren-san-nha-a10145.html