So với các nước trong khu vực, tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam ở mức 25%, được đánh giá là còn thấp và nhiều tiềm năng phát triển. Thói quen tiêu dùng của người dân thành thị vẫn xoay quanh những tiệm tạp hóa nhỏ lẻ do tính tiện dụng cao và mức giá bình dân. Tuy nhiên, câu chuyện đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây. Các CHTL mọc lên khắp mọi nơi, len lỏi vào từng phố nhỏ, ngõ nhỏ. Từ các chuỗi hoạt động theo mô hình 24 giờ của các thương hiệu quốc tế như: Shop&Go, Circle K, B’s mart, FamilyMart, MiniStop… đến mô hình CHTL của các thương hiệu trong nước như: Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+… Mỗi chuỗi kinh doanh đều đã phát triển tới con số hàng trăm cửa hàng và vẫn tiếp tục được mở rộng.
Để lôi kéo người tiêu dùng chuyển đổi thói quen mua sắm hiện đại, các chuỗi CHTL đều có "đặc sản" riêng cho mình. Vinmart+ lấy rau xanh, thịt sạch làm mũi nhọn nhờ kết hợp thực phẩm sạch vào mô hình cửa hàng tiện dụng, giúp đáp ứng nhu cầu của người mua không thua kém một siêu thị mini.
Trong khi đó, Circle K lại sử dụng thực phẩm chế biến sẵn cùng không gian có máy lạnh, wi-fi để khách mua hàng ngồi ngay tại cửa hàng thưởng thức làm thế mạnh. Công thức này được Circle K áp dụng triệt để nhất tại khu vực xung quanh các trường phổ thông, đại học lớn. Chuỗi này luôn đặt tiêu chí gần trường học lên hàng đầu nhờ lượng khách hàng tiềm năng, là sinh viên của các trường, vô cùng dồi dào. Mỗi trường đại học lớn tại Hà Nội đều có 3-5 cửa hàng Circle K “theo kèm” trong bán kính 1 km quanh cổng trường. Trước và sau giờ học, các cửa hàng ken đặc các bạn trẻ mua đồ ăn vặt: bánh mì, cà phê sữa đá, bim bim, kẹo, nước ngọt, hoặc đôi khi chỉ là túm năm tụm ba trò chuyện với bạn bè.
Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chiến lược "phủ kín" các thành phố châu Á của 7-Eleven. Riêng tại Việt Nam, đơn vị này lên kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong năm đầu tiên và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới. Trước 7-Eleven đã từng có rất nhiều thương hiệu sở hữu chuỗi CHTL lớn ngã ngựa hoặc làm ăn cầm chừng tại Việt Nam dù được đầu tư mạnh và bài bản. Tiềm lực và kinh nghiệm dồi dào của 7-Eleven là điều không còn phải bàn cãi, nhưng không có gì đảm bảo hai yếu tố này sẽ giúp ông lớn ngành bán lẻ chắc thắng.
Điển hình nhất là FamilyMart, chuỗi CHTL đồng hương với 7-Eleven. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2009, FamilyMart sau một lần tái cơ cấu và tạo liên doanh với doanh nghiệp nội đã lấy đà và nhanh chóng mở rộng, đặc biệt là tại thị trường phía Nam.
Do hiệu quả kinh doanh không cao, năm 2013, liên doanh này tan vỡ do chuỗi CHTL B’s Mart của Thái Lan đã mua lại toàn bộ số cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam. Đây cũng là những cửa hàng B’s Mart đầu tiên tại Việt Nam. Chưa từ bỏ quyết tâm chinh phục thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nóng, FamilyMart cải tổ và trở lại mạnh mẽ với kết quả là tháng 7/2016 đã đạt con số 106, đồng thời, đặt mục tiêu 150 cửa hàng vào cuối năm 2017 và 300 cửa hàng vào năm 2018. Mục tiêu là vậy, nhưng lãnh đạo của FamilyMart nhận định tình hình kinh doanh của chuỗi này tại Việt Nam không thuận lợi và tiến tới sẽ phải ngừng đầu tư thêm. Hiện, số cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam đạt khoảng 125 cửa hàng, khiêm tốn so với danh hiệu chuỗi CHTL số một tại Hàn Quốc và hơn 10.000 cửa hàng tại quê nhà Nhật Bản.
Với nhịp sống ngày càng nhanh hơn và quy mô hộ gia đình ngày càng nhỏ, người tiêu dùng Việt cũng có xu hướng mong muốn tiện lợi trong mọi vấn đề. Điểm mạnh chung của các CHTL so với mô hình cửa hàng tạp hóa truyền thống là đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của khách hàng. Khách có thể đặt vé máy bay, mua thực phẩm, nước giải khát chế biến tại chỗ. Đó là những điều mà tạp hóa truyền thống không thể đáp ứng.
Tuy nhiên, dù định hướng mục tiêu của các CHTL hiện vẫn là cạnh tranh với hệ thống cửa hàng bán lẻ truyền thống - chiếm 80% thị phần bán lẻ hiện tại, và thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, song, làn sóng mở rộng liên tục và đặt trọng tâm vào các thành phố lớn đang đưa các thương hiệu này vào một cuộc đua khác - cuộc đua về đầu tư mặt bằng và chiến lược kinh doanh.
Hiện, Vinmart+ đã vươn lên dẫn đầu về số lượng với gần 900 cửa hàng mọc lên khắp các ngóc ngách trên cả nước. B’s mart sở hữu hơn 150 cửa hàng, Shop&Go hơn 210 cửa hàng, Circle K có gần 180 cửa hàng, Ministop có khoảng 60 cửa hàng... Ngoài ra, còn có các cửa hàng tiện ích của những DN trong nước như SatraFood, Co.opFood, Hapro, Bách Hóa Xanh... Bản thân Vinmart+ đã đưa ra kế hoạch mở 10.000 cửa hàng trên toàn quốc trong thời gian tới và đây được xem là đối trọng mạnh với những tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực này. Nếu nhìn tương quan này, kế hoạch thiết lập 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm sau của tân binh 7-Eleven không phải quá lớn. Nhưng 7-Eleven được đánh giá là chuỗi CHTL thành công nhất trong lịch sử thế giới với hơn 60.000 cửa hàng tại khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhìn nhận về tiềm năng phát triển phân khúc CHTL, một chuyên gia phân tích, số lượng các CHTL đã có như hiện nay vẫn còn rất ít so với mật độ dân số dày đặc như TP.HCM. Nhưng sự thành bại của mô hình kinh doanh và của từng DN phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Khi xây dựng chính sách giá, DN phải trả lời được các câu hỏi như giá cao bao nhiêu, tương xứng như thế nào trong mối tương quan với sự tiện lợi như vị trí cửa hàng, chủng loại sản phẩm, các tiện ích, dịch vụ đi kèm… Điều quan trọng, DN phải có kết nối được với các vùng nguyên liệu để làm chủ nguồn hàng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và giá bán tốt mới có thể đứng vững trong thị trường đầy cạnh tranh.
Ngô Hoàng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/cua-hang-tien-loi-cuoc-dua-chiem-linh-thi-truong-a10138.html