Khởi nghiệp năm 1994 từ một cơ sở chạm khắc gia công mộc dân dụng phục vụ bà con trong làng. Đầu năm 2004, khi Nguyễn Viết Linh, một người bạn thời trung học phổ thông của Trần Thu về hợp tác, thành lập Trung tâm Gỗ nghệ thuật Âu Lạc. Đến năm 2011, Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc chính thức ra đời tại vùng quê Gò Nổi - Điện Bàn - Quảng Nam. Trải qua cuộc hành trình bắt đầu từ việc đào tạo một hai em học viên trong làng, đến nay Âu Lạc đã đào tạo gần 100 thanh niên. Âu Lạc đang sở hữu một đội ngũ thợ hùng hậu, chất lượng với 60 người, tuổi đời còn rất trẻ. Không chỉ thế, đội ngũ thợ kỳ cựu học nghề tại Âu Lạc đã gắn bó từ 10 – 22 năm, giờ đây họ là những giáo viên đứng lớp, chịu trách nhiệm truyền nghề, những người quản lý kỹ thuật và cùng tham gia sáng tác những sản phẩm mới tại xưởng sản xuất. Chính đội ngũ thợ kỳ cựu này đã đồng hành cùng Âu Lạc xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của Công ty. Chính những con người này nắm giữ tinh hoa và là nhân tố quyết định sự tồn vong của Âu Lạc.
Ngoài trụ sở chính tại Điện Bàn (Quảng Nam) hiện nay đã ra đời thêm 2 chi nhánh tại 23 Hùng Vương – Đà Nẵng và 23 Trần Phú – Hội An, đầu tháng 7 tới Âu Lạc tiếp tục khai trương phòng trưng bày mới tại Trung tâm Hàng Thủ công mỹ nghệ “Xứ Đàng Trong”, số 9 Nguyễn Thái Học – Hội An. Ông Trần Thu - Giám đốc – nghệ nhân ưu tú cho biết: “Năm 2017, Âu Lạc thực hiện chuỗi triển lãm tại Đà Nẵng, Bình Định, Sài Gòn, Hà Nội... nhằm quảng bá thương hiệu rộng rãi trên cả nước, dự kiến trong thời gian sắp tới Âu Lạc sẽ mở chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội”.
Chúng tôi đặt câu hỏi với Giám đốc nghệ nhân Trần Thu: Làm thế nào để Âu Lạc có thể liên tục tạo ra những sản phẩm mới, ngày một tinh xảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường? Nghệ nhân Trần Thu cho hay: “Đào tạo tay nghề một cách bài bản làm nòng cốt, là yếu tố cần thiết, nâng cao ý thức nghề nghiệp làm cốt lõi”. Khác hẳn với lối đào tạo truyền thống, Âu Lạc tổ chức đào tạo theo mô hình chính quy, từ việc chiêu sinh theo khóa, thông báo chiêu sinh rộng rãi trong vùng qua hệ thống truyền thanh địa phương, xét tuyển nghiêm túc. Ứng viên được qua xét tuyển 2 vòng; vòng sơ tuyển cùng với sự có mặt của học viên và phụ huynh, nhằm giúp học viên và phụ huynh hiểu rõ phương thức đào tạo nghề của Công ty với hệ thống quản lý khoa học. Sau đó phải qua kiểm tra xét tuyển từ 2 môn năng khiếu và hạnh kiểm. Ứng viên phải thực hiện 2 bài tập năng khiếu vẽ, 2 bài tập hạnh kiểm trước khi được chọn làm học viên chính thức, học nghề miễn phí tại Âu Lạc. Ông Trần Thu cho hay: “Khóa đào tạo 2015 – 2017, với 37 hồ sơ ứng tuyển, 15 em được chọn, một điều đặc biệt là ông ưu tiên cho những ứng viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em khuyết tật. Cụ thể, khóa học vừa qua đã có 2 em câm điếc bẩm sinh và 1 em hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn (mồ côi cha và đông em nhỏ) được ưu tiên không qua xét tuyển”.
Việc đào tạo tại Âu Lạc thông qua giáo án – giáo trình chỉnh chu, với 4 môn học bài bản. Môn vẽ làm nền tảng căn bản về mỹ thuật, môn “mài đồ nghề” và “thực hành điêu khắc” được hướng dẫn chu đáo hàng ngày. Đặc biệt, môn “Ý thức người nghệ nhân Âu Lạc” được đưa lên hàng đầu, với hệ số 3 trong mỗi kỳ thi, là cơ sở xét tốt nghiệp cho mỗi học viên sau 3 năm học việc. Mỗi môn học là một giáo viên có kinh nghiệm hơn 10 năm đứng lớp. Hàng năm Công ty còn tổ chức họp phụ huynh định kỳ, nhằm kết nối với gia đình, để phụ huynh nắm rõ tình hình học tập của con em, cũng như những chính sách đào tạo tại Công ty. Gần đây, Âu Lạc tiếp nhận thêm một học viên người nước ngoài, tên Spencer Johnson, chàng thanh niên người Mỹ dành hẳn 1 năm sang Việt Nam để học nghề tại Âu Lạc, với mục đích mang những kỹ năng điêu khắc gỗ truyền thống Âu Lạc về hành nghề tại Mỹ. Đây cũng là cơ hội để Âu Lạc ươm hạt giống ngành nghề, hy vọng chàng thanh niên người Mỹ truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống thông qua ngôn ngữ gỗ nghệ thuật.
Trên cương vị giám đốc công ty, dù bộn bề bao công việc, nhưng với tâm huyết và niềm đam mê, anh Trần Thu vẫn tham gia sáng tác, đưa ra những ý tưởng mới lạ độc đáo, cùng với những học trò của mình tạo ra các tác phẩm có giá trị mỹ học cao. Tác phẩm của Âu Lạc vinh dự nhận nhiều giải thưởng cao như: 4 giải Tinh hoa văn hóa Việt 2004 tại Huế, 2 giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm Golden V – 2004, giải 3 cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc – 2005 tại Hà Nội, giải Nhất cuộc thi sản phẩm du lịch miền Trung và Tây Nguyên – 2006. Gần đây nhất là giải Nhì cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch và quà tặng APEC 2017” diễn ra tại Đà Nẵng. Với chủ đề liên quan đến giá trị văn hóa, biểu tượng cho TP. Đà Nẵng, nghệ nhân Trần Thu và Nguyễn Thế Quốc (người học trò xuất sắc nhất của anh) đã thành công với bộ tác phẩm “Giai điệu lương tri”. Nghệ nhân Trần Thu tâm sự: “Từ khối gỗ thô mộc, để trở thành một tác phẩm nghệ thuật Âu Lạc như một cuộc hành trình đầy gian khó, nhưng cũng thật thú vị dễ dàng. Tình yêu và niềm đam mê là nguồn cảm hứng để người nghệ nhân thong dong trên hành trình nhiều ngày tháng, đôi khi cả năm dài. Ở đâu có tình yêu, ở đó có hạnh phúc, vẻ đẹp và sự trao đi…”
“Xây dựng, phát triển Âu Lạc vững mạnh, tạo ra nhiều công việc cho người lao động, tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội. Đào tạo ra những người học trò xuất sắc, tạo ra những sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao, lưu giữ lại những nét tinh hoa văn hóa Việt thông qua gỗ nghệ thuật. Đó là trách nhiệm mà một người nghệ nhân, một người lãnh đạo công ty như tôi có trách nhiệm phải làm”- ông Trần Thu khẳng định.
Như Quỳnh