Chợ tự phát và nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có rất nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, nhưng các điểm chợ tự phát, chợ tạm vẫn không ngừng gia tăng. Các điểm chợ tự phát này mọc khắp mọi nơi, nhất là ở xung quanh các khu vực chợ truyền thống, nhiều trục đường giao thông cạnh những khu chung cư cao tầng tại Hà Nội, phục vụ nhu cầu mua nhanh của người dân. Chợ tự phát bám víu xung quanh tạo thành một hệ thống chợ ồn ào, gây mất mỹ quan đô thị.

cho-tu-phat-va-noi-lo-mat-ve-sinh-an-toan-thuc-pham
Chợ tự phát tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội. Ảnh: Internet

Chợ tự phát - tấp nập người mua kẻ bán

Nếu như nhắc đến chung cư cao tầng, khu đô thị mới, nhiều người sẽ nghĩ đến cuộc sống văn minh, sạch sẽ, tiện lợi… nhờ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu mua sắm của cư dân. Tuy nhiên, trong thực tế tại Hà Nội thì chung cư mọc đến đâu, chợ tự phát lại mọc theo đến đó.

Trước đây, những điểm chợ tự phát này tấp nập từ sáng đến chiều. Sau chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của thành phố, chợ tự phát “họp” theo giờ, theo địa điểm khác nhau, hễ nơi nào, lúc nào không có lực lượng công an, trật tự thì ở đó có chợ. Chợ tự phát luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Người ta dọn hàng tràn ra vỉa hè, lòng đường, bày bán rất thoải mái.

Hàng hóa tại các chợ tự phát cũng đủ loại, gần như không thiếu mặt hàng nào. Do chiếm dụng, không tốn thuế, phí nên giá bán tại chợ tự phát thường rẻ. Chị Nguyễn Thị Thanh, một người bán hàng tại khu vực chợ Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, trung bình một buổi sáng chị bán khoảng 50-70kg thịt lợn. Một chủ sạp rau củ, bày bán trên vỉa hè gần đó cũng đang tất bật bán hàng vì lượng khách quá đông. Chị vừa bán vừa kể: “Tôi bán ở đây mấy năm rồi. chỉ đến trưa là bán gần như hết sạch. Mình bán rẻ hơn trong chợ nên khách hàng ủng hộ thôi! Trước đây, khi chưa bị dẹp vỉa hè, bán cả ngày thì số lượng hàng bán ra còn nhiều hơn nữa”. Mua sắm nhanh chóng,  thuận tiện, giờ giấc họp chợ linh hoạt là lí do khiến nhiều người tiêu dùng có thói quen mua bán tại  các chợ tự phát, chợ tạm ngày càng nhiều hơn.

Chị Nguyễn Bích Vân ở Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hàng ngày chị vẫn mua thịt ở chợ tạm gần nhà về chế biến hoặc mua gia cầm giết mổ ngay ở chợ. "Việc vào siêu thị, cửa hàng sẽ mất nhiều thời gian, còn về độ an toàn của thực phẩm tôi thấy không khác nhiều so với chợ tạm. Hơn nữa, tôi chủ yếu mua hàng của người quen nên khá yên tâm" - chị Vân chia sẻ.

Trái với không khí ảm đạm, ế ẩm  trong các cửa hàng, siêu thị cung cấp nông sản sạch, thương lái bán thịt tại các chợ tạm đang "sống khỏe" và ngày càng có uy tín với người mua.

Biết mất vệ sinh an toàn thực phẩm… vẫn mua

Dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo, nhưng vì sự tiện lợi trước mắt khiến nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen mua thịt ở chợ tạm tự phát không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáng nói là loại hình chợ này có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, trong khi đa số người dân chưa quen với thực phẩm sạch bán tại các cửa hàng, siêu thị.

Ông Đào Thế Anh, Hội Khoa học phát triển Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tiêu thụ thịt bán tại chợ cóc, chợ tạm hiện chiếm hơn 90% thị trường. Phần lớn người tiêu dùng chọn mua gia cầm sống được giết mổ ngay tại chợ cóc, chợ tạm. Thực trạng này không những tạo điều kiện thuận lợi cho thực phẩm kém chất lượng tiêu thụ với số lượng lớn, trong khi thịt sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bán tại các cửa hàng, siêu thị vẫn khó tiêu thụ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tới kinh doanh của các cửa hàng bán nông sản sạch.

Được hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi mua cá ở một chợ tạm phía Nam thành phố, chị Lã Thị Hạnh (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Vẫn biết là có hơi mất vệ sinh, nhưng về mình còn rửa lại và ngâm nước muối, nên không lo lắm. Vả lại, nhiều khi mua hàng “sạch” trong hệ thống siêu thị giá cao gấp rưỡi mà cũng không đo đếm được chất lượng sản phẩm”. Còn theo chị Nguyễn Thị Thắm (phường Tân Mai): “Ở đâu cũng như thế này cả, nên chợ nào gần thì cứ ra đấy mua cho… tiện”.

Chính tâm lý trên của người tiêu dùng là một trong những nguyên nhân khiến cho các sản phẩm mất vệ sinh ATTP đã và đang được tiêu thụ một cách… công khai, bình thường và hết sức dễ dàng.

Quản lý bỏ ngỏ

Tại chung cư N6a, b, c Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), vào mỗi buổi sáng sớm, khi chưa có sự kiểm soát của lực lượng trật tự, hoa quả, nông, hải sản được bày bán la liệt trên các vỉa hè, quanh khu chung cư. Những người buôn bán thì chiếm hết vỉa hè, lề đường. Người mua thì cứ tiện dừng xe dưới lòng đường để mua. Chưa cần bàn đến chất lượng thực phẩm, trái cây được buôn bán tại đây, nhưng có một điều thực tế rằng, các chợ tự phát kiểu này đang khiến tình hình giao thông trở nên bát nháo, mất an toàn.

Đa phần những người bán hàng tại chợ tự phát chủ yếu là dân tứ xứ ở các vùng quê lên thành phố để mưu sinh. Họ tụ tập thành nhóm đông người để lập ra một cái chợ buôn bán, nhất là ở các nơi có nhiều người dân lao động nghèo. Và, đây là nguồn thu nhập chính của họ. Khi các đơn vị chức năng vận động, dẹp bỏ các chợ… thì họ lảng tránh đi một nơi khác. Đến khi không có mặt lực lượng chức năng, mọi chuyện trở lại như cũ.

Không những tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân, chợ tự phát hoạt động hầu như không có một cơ quan chức năng nào quản lý nên người bán cũng không phải đóng tiền thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước một khoản tiền khá lớn.

Bên cạnh tâm lý thích mua con cá, mớ rau dọc đường cho tiện của người dân thì sự “bỏ ngỏ” trong quản lý, xử lý không dứt điểm, triệt để của các ngành chức năng cũng là nguyên nhân khiến chợ tự phát tăng chóng mặt.

Khó khăn lớn nhất của việc xử lý vi phạm các chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn các quận nội thành cũng 1 phần do thiếu quỹ đất để bố trí xây dựng chợ mới, nếu có chợ mới rồi thì vị trí đặt chợ lại không thuận lợi cho việc giao thương buôn bán nên người dân lại tự ý lập lại chợ cóc, chợ tạm. Để đạt được mục tiêu, cần tuyên truyền thường xuyên tới các hộ kinh doanh buôn bán tại chợ tạm, chợ cóc hoạt động đúng theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ di dời các hộ kinh doanh buôn bán vào các chợ mới đã được quy hoạch.

Chính quyền cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những quầy bán thịt và rau củ quả không rõ nguồn gốc xuất xứ, tịch thu và tiêu hủy theo quy định. Người tiêu dùng nên thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm, không dùng loại thịt bày bán tại chợ cóc, chợ tạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dẹp chợ tự phát cũng có nghĩa là phải giải quyết công ăn việc làm cho những lao động này. Việc này đòi hỏi phải nhiều cơ quan, ban ngành cùng tham gia giải quyết. Các giải pháp chỉ khả thi khi chúng được thực hiện đồng bộ và cần nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ thực hiện các giải pháp. 

Ngọc Hà

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/cho-tu-phat-va-noi-lo-mat-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-a10019.html