Phú Yên: Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách hộ nghèo đã vươn lên khá, giàu

Tạp Chí Nhân Đạo
Để tạo điều kiện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, những năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên đã triển khai nhiều chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh. Qua 8 năm (2012-2019) đã có hơn 53.550 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi (với doanh số cho vay 1.356.440 triệu đồng).

Tỉnh Phú Yên có 62.000 đồng bào với 31 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na, Ê Đê, Chăm H’Roi… ở 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hoà và Đồng Xuân. Được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi ở từng địa bàn, nhiều gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số ở 3 huyện miền núi tỉnh Phú Yên từ chỗ là hộ nghèo đã vươn lên có mức kinh tế khá, với mức thu nhập ổn định mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Áp dụng phương pháp cho vay, lựa chọn mô hình mang lại hiệu quả, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên đã góp phần đưa 2 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh là Sông Hinh và Đồng Xuân vươn lên. Đời sống của đại bộ phận các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, nhiều hộ được vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững tiến tới làm giàu.
Cách đây hơn 20 năm, vợ chồng anh Hứa Văn Nhay (dân tộc Nùng) đến xã miền núi Sơn Giang, huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên lập nghiệp. Anh Nhay được Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên cho vay ưu đãi 2 triệu đồng, gia đình thêm 400 nghìn đồng, mua một con bò đực để làm nương rẫy. Đến nay, gia đình anh có 15 con bò, cho thu nhập mỗi năm từ 40-60 triệu đồng. “Trước chỉ có 1ha đất, mình loay hoay nấu rượu, làm rẫy, nuôi heo, vợ thì tranh thủ đi làm thuê mà vẫn nghèo. Nhờ có vốn vay của Ngân hàng Chính sách mình mới mạnh dạn đầu tư nuôi bò, giờ cuộc sống gia đình đã tạm ổn, lo được cho con cái ăn học”, anh Nhay chia sẻ.


Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã phát triển cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao
Cũng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh, gia đình hộ nghèo Nguyễn Thị Cước (thôn Tân An, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã chọn cho mình hướng đầu tư vào cây cao su và cây ăn quả để phát triển kinh tế. Sau 6 năm, hiện nay, gia đình bà Cước có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, vươn lên thoát nghèo và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người dân xung quanh.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên đã giúp người dân tiếp cận vốn vay rất thuận lợi, đặc biệt dành sự ưu tiên cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo. Kết hợp với mô hình tự chọn có sự tham gia của Chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp và Ngân hàng chính sách xã hội, phần lớn các gia đình vay vốn đều làm ăn hiệu quả, đã góp phần xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng bình quân thu nhập hàng năm ở khu vực miền núi (tính đến tháng 9/2019) đạt từ 20-26 triệu đồng/người/năm, riêng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân thu nhập từ 14-16 triệu đồng/người/năm.
         Nguyễn Sung