Lạng Sơn: Công tác nhân đạo đã trợ giúp thiết thực cho các đối tượng dễ bị tổn thương

Nguyễn Hồng Hạnh
Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống (chiếm tới 84,74 % tổng số dân của tỉnh). Đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai hiệu quả công tác nhân đạo, trợ giúp thiết thực cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, góp phần đảm bảo đời sống người dân. Phóng viên Tạp chí Nhân đạo đã có dịp trò chuyện với đồng chí Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về các hoạt động nhân đạo đã được triển khai trên địa bàn tỉnh.
lang-son-3-1660898811.jpg
Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Thời gian qua, với sự quan tâm của ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp ủy, công tác nhân đạo được triển khai hiệu quả, góp phần đảm bảo đời sống người dân. Xin ông cho biết những hoạt động nhân đạo đã được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh?

Ông Hồ Tiến Thiệu: Trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, ngân sách eo hẹp, nhưng công tác nhân đạo trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng, hoạt động nhân đạo trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục. Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 08/6/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tỉnh đã chỉ đạo triển khai, tuyên truyền Chỉ thị đến 100% các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy các xã, thị trấn. Đồng thời, tại các cơ quan, đơn vị đều phổ biến, quán triệt Chỉ thị nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quan tâm triển khai các hoạt động Chữ thập đỏ (nhất là việc đóng góp, huy động nguồn lực cho công tác này).

Tại Lạng Sơn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đảm nhiệm chức danh Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ tỉnh; 100% các huyện, thành phố các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, thành ủy hoặc Chủ tịch UBND huyện, thành phố được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội, đó là thuận lợi quan trọng và minh chứng cho sự quan tâm của tỉnh đối với công tác nhân đạo.

Trong 5 năm qua (2017 - 2022), dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả với các ngành, các cơ quan, đơn vị, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trọng tâm, trọng điểm, ý nghĩa. Nhiều hoạt động là “điểm sáng”, là “thương hiệu” của Hội như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; “Tháng Nhân đạo”; Mô hình “Nồi cháo tình thương”; “Cơm nhân ái”; xây nhà Chữ thập đỏ; Bếp ăn bán trú cho trường học; Hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo; Dự án bò cái sinh sản; làm đường giao thông nông thôn; công trình nước sạch; sữa học đường; đường điện thắp sáng ngõ xóm... Bên cạnh đó, công tác vận động hiến máu tình nguyện phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Nhiều hình thức vận động, tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả, thu hút ngày càng đông người tình nguyện tham gia hiến máu.

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm bùng phát dịch Covid-19, các cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ có mặt tại các “điểm nóng” cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm... Không chỉ cứu trợ người dân, mà lực lượng Chữ thập đỏ còn phối hợp, hỗ trợ rất tích cực cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và huy động, hỗ trợ cho nước bạn Trung Quốc để phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị hoạt động đạt trên 49,6 tỷ đồng.

Hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã trợ giúp cho gần 500 ngàn lượt người, trị giá trên 200 tỷ đồng, bình quân đạt 41,2 tỷ đồng/năm (tăng 75,8 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước). Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động, chương trình nhân đạo mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các cấp Hội đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua, qua đó đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

Để công tác nhân đạo tại tỉnh Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung phát triển và hỗ trợ được nhiều người yếu thế hơn nữa, theo ông cần có những chế chính sách nào để trợ lực cho hoạt động này?

Ông Hồ Tiến Thiệu: Bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vùng đặc biệt khó khăn là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố lòng tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Trước đòi hỏi của yêu cầu thực tế hiện nay, để giúp cho công tác nhân đạo tại tỉnh Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung phát triển mạnh hơn nữa, đem lại cơ hội hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ, theo tôi Hội Chữ thập đỏ cần nghiên cứu, đề xuất ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động của Tỉnh ủy đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; Huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho hoạt động nhân đạo, từ thiện, nhấn mạnh công tác nhân đạo, từ thiện là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, thảm họa và các đối tượng dễ bị tổn thương khác phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Ưu tiên lồng ghép, thu hút và dành nguồn lực trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đảm bảo an sinh xã hội. Có chính sách, giải pháp để huy động mọi tầng lớp trong xã hội, mọi người dân tự nguyện, tự giác tham gia vào các hoạt động thiện nguyện.

Mạnh Linh (thực hiện)