Hành trình 20 năm dành tình thương cho trẻ tự kỷ

Tạp Chí Nhân Đạo
Trong quá trình dạy học, những học sinh tự kỷ luôn khiến cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp (Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy day dứt. Với kinh nghiệm của giáo viên có 20 năm dạy trẻ khó hòa nhập, cô Diệp đã tự nghiên cứu và xây dựng phần mềm giúp trẻ nâng cao nhận thức, hòa nhập với cộng đồng.

Trăn trở với trẻ khó hòa nhập

20 năm trong nghề, gắn bó với bao lứa học trò tự kỷ nhưng ít ai biết được rằng, đây có lẽ không hẳn là sự lựa chọn mà là “mối duyên” của cô Bích Diệp. Cô chia sẻ, từ khi còn là sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học (trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), cô đã đi làm gia sư dạy cho một trẻ tự kỷ. Rồi như một cơ duyên, ra trường, cô lại nhận dạy cho một trẻ tự kỷ khác tại Hà Nội.


Cô Nguyễn Thị Bích Diệp

Nhiệm vụ hàng ngày của cô không chỉ có dạy chữ, luyện viết mà còn giữ cho học trò của mình ngồi yên, không ảnh hưởng đến lớp học.
Sau đó, cô vào dạy học tại trường Tiểu học Vĩnh Hưng, rồi biên chế vào trường Tiểu học Tân Mai.
“Trong suốt khoảng thời gian ấy, tôi nhận thấy xung quanh có nhiều trẻ khó hòa nhập (bao gồm: Trẻ tự kỷ, trẻ phổ tự kỷ và trẻ tăng động giảm tập trung) chưa được can thiệp sớm dẫn đến tình trạng các em ngày càng nặng thêm. Thương các con bao nhiêu, tôi lại càng chia sẻ hơn với những người làm cha, làm mẹ khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn ấy”, cô Diệp tâm sự.
Xuất phát từ nguyên nhân ấy, cô giáo trẻ quyết tâm phải tìm ra được phương pháp hiệu quả để giúp các em phát triển bình thường và hòa nhập với cuộc sống. Tất cả những phương pháp giáo dục trẻ khó hòa nhập như dạy học bằng tranh ảnh, bằng thẻ chữ, bằng trực quan sinh động… cô Diệp đều đã thực hiện nhưng nhận thức của học sinh khó hòa nhập vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Nhận thấy có tới 90% học sinh khó hòa nhập mà cô dạy có niềm đam mê sâu sắc với máy tính nhưng trên mạng internet hiện nay chỉ có các phần mềm học tập dành cho học sinh bình thường và học sinh giỏi xuất sắc. Bằng kinh nghiệm của một giáo viên tiểu học gần 20 năm dạy trẻ tự kỷ, cô Diệp quyết định sẽ tự thiết kế một phần mềm dạy học cho trẻ khó hòa nhập.
Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô Diệp thường xuyên đến các Trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các Tổ chức Phi Chính phủ để trò chuyện với trẻ; Tham gia nhiều khóa học về trẻ tự kỷ của Mỹ, Úc và Trung Quốc tập huấn tại Việt Nam nhằm bổ sung kiến thức về giáo dục trẻ đặc biệt.
Sau nhiều năm nghiên cứu, đến năm học 2018 - 2019, cô Diệp đã sáng tạo ra phần mềm Hỗ trợ trẻ khó hòa nhập, tập trung dạy môn Toán và môn Tự nhiên xã hội ở trình độ lớp 1, lớp 2 và lớp 3.


Cô Diệp cùng học sinh hỗ trợ các bạn mắc chứng tăng động vào giờ ra chơi

Hạnh phúc vỡ òa
Cô Diệp cho rằng, phần mềm dành cho trẻ khó hòa nhập phải được chú trọng nhiều về mặt hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy để dễ tiếp thu. Khi sáng tạo phần mềm này, cô đã nghĩ rất nhiều đến sự khác biệt về nhận thức và tâm sinh lý của học sinh khó hòa nhập và học sinh bình thường.
Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước mà không cần internet học sinh vẫn có thể sử dụng được. Càng dùng càng quen, những học sinh khó hòa nhập dần dần tự tin, tiến bộ.
Theo cô Diệp, phần mềm dành cho trẻ khó hòa nhập khác hẳn phần mềm cho học sinh bình thường rất nhiều. Bởi phần mềm dạy học sinh bình thường thiên về truyền tải kiến thức bằng chữ viết và tập trung vào hệ thống bài tập nâng cao. Còn đối với học sinh khó hòa nhập, phần mềm cần phải được chú trọng nhiều hơn về mặt hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy để các em dễ tiếp thu hơn. “Khi sáng tạo phần mềm này, tôi đã nghĩ rất nhiều đến sự khác biệt về nhận thức và tâm sinh lý của học sinh khó hòa nhập so với học sinh bình thường.
Các em khó hòa nhập ham thích dùng máy tính, ham thích được làm những bài toán dễ và khi được khen, dù chỉ là rất ít, các em cũng vô cùng sung sướng. Mỗi lời khen của cô, mỗi tiếng vỗ tay của các bạn khiến cho các em say mê hơn với việc học. Dần dần, những kiến thức mà các em học được sẽ là bước tiến nhỏ để các em tập trung hơn trong giờ học” - cô Diệp chia sẻ.
Đặc biệt, qua phần mềm, cô Diệp đã khéo léo nhờ phụ huynh hỗ trợ cùng với mình để giúp các em hoàn thành nhiệm vụ trên lớp. Phụ huynh giám sát con làm, sao lưu kết quả và tương tác được với giáo viên trên lớp. Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước mà không cần internet học sinh vẫn có thể sử dụng được. Trải qua cả quá trình gian nan, giờ đây, những học sinh đặc biệt trong lớp cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp làm chủ nhiệm đã có rất nhiều tiến bộ. Trong mỗi hoạt động ngoại khóa, các em đã mạnh dạn tự tin hơn rất nhiều.

Dạy học chưa bao giờ là việc dễ dàng và việc dạy những trẻ khó hòa nhập lại càng thách thức hơn rất nhiều. Đã không ít lần, cô Diệp phải bật khóc vì bất lực khi cô dạy mãi cả năm trời, học sinh vẫn không biết cách làm một việc đơn giản nhất là nắm tay. Nhưng cô Diệp chưa bao giờ bỏ cuộc bởi cô luôn tâm niệm: “Tôi đến với trẻ khó hòa nhập không chỉ bằng tình thương mà còn như một niềm đam mê. Càng gắn bó với các em, tôi càng thêm nhận ra ý nghĩa và hạnh phúc từ cuộc sống”. Theo cô Diệp, điều quan trọng nhất để gắn bó với nghề bên cạnh kiến thức chuyên môn là tình yêu trẻ, yêu nghề. Khi có đủ những điều đó, thì khó đến mấy cũng sẽ vượt qua.
May mắn đối với cô Diệp là trong suốt nhiều năm dạy học cho trẻ khó hòa nhập, cô luôn được gia đình ủng hộ. “Tôi còn nhớ, cách đây 16 năm, con gái của tôi khi đó mới chỉ 4 tháng tuổi. Hàng ngày, ông bà trông con hộ tôi đến 9 giờ tối. Khi tôi trở về nhà, lúc nào ông bà cũng khen “bé ngoan” để tôi yên tâm làm việc. Phụ huynh của tôi còn nhiều lần ôm mẹ chồng tôi mà khóc: “Ông bà giúp đỡ gia đình con. Nếu cô Diệp không giúp, sẽ không ai giúp con được”. Thực sự, tôi biết rằng, những việc tôi đã làm khiến cho bố mẹ tôi cũng phải cảm động và sẵn sàng làm tất cả việc nhà cho tôi say mê với con đường mà mình đã chọn” - cô Diệp bồi hồi chia sẻ.

Ngọc Minh

Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-hanh-trinh-20-nam-danh-tinh-thuong-cho-tre-tu-ky-148840.html