Hà Tĩnh Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030

Hoàng Quốc Tiến
Sáng 28/5, tại Hà Tĩnh diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng". Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tham dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng...

Cùng dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế; lãnh đạo một số địa phương của Lào, Thái Lan và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư...

z4382974281829-f88743f7a7e0a52b7f93afe8f289a0c4-1685245972.jpg
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030.

Với chủ đề “Hà Tĩnh - hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”, Hội nghị cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, các danh mục dự án ưu tiên của Tỉnh tới nhà đầu tư.

Thông qua đó, để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc tổ chức và giám sát thực hiện Quy hoạch.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh có địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh; nằm trên trục giao thông Bắc - Nam; là cửa ngõ giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; với nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa đặc sắc, với 5 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh; quê hương của các danh nhân văn hóa - lịch sử nổi tiếng; có nhiều di tích, khu du lịch, danh lam thắng cảnh.

z4382974295203-88c85b7de90e24c014a9aab15047bb0c-1685245972.jpg
 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải phát biểu khai mạc hội nghị.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ hiệu quả của Trung ương, sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu phấn khởi trên nhiều lĩnh vực.

“Từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, hiện nay Hà Tĩnh đã đứng trong nhóm các tỉnh khá của khu vực, được Thủ tướng Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới. Môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng hạng qua từng năm; hiện đang là một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước”, ông Võ Trọng Hải cho biết.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, Hà Tĩnh luôn xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là công cụ quan trọng để hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Ông Võ Trọng Hải mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, để Hà Tĩnh thực hiện thành công mục tiêu Quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước; xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

z4382974517911-a30eaeca81dd6a3c209ed6b9795e8d2f-1685245972.jpg
 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ những định hướng phát triển và thu hút đầu tư của Hà Tĩnh trong thời gian tới gồm: Lĩnh vực công nghiệp là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may. Lĩnh vực dịch vụ - du lịch là các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và lô gíc tíc (logistics)… Lĩnh vực nông nghiệp là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ và các vùng chuyên canh. Đối với lĩnh vực đô thị là các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 1363/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên 5 quan điểm lớn:

Một là, phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng.

Hai là, bám sát đặc điểm, vai trò, vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, nằm trên trục giao thông chiến lược, một trong những cửa ngõ lớn trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng để tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp theo định hướng tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Ba là, lấy nhân tố quyết định nội lực là con người, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số; xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, tránh trùng lắp với các địa phương lân cận, làm nền tảng, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững.

Bốn là, tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược đồng bộ, hợp lý, hiện đại; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế với các hình thức đầu tư phù hợp để phát triển hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý. Đẩy mạnh cải cách hành chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, giảm phiền hà, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Năm là, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường liên kết trong phát triển với các địa phương khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế.

Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh xác định: xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định Hà Tĩnh sẽ là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Hoàng Tiến