G20 giải quyết các vấn đề “nóng” về an ninh lương thực, an ninh năng lượng

Nguyễn Thị Hải Hà
Tăng cường chủ nghĩa đa phương, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh năng lượng là những nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7 tại đảo Bali của Indonesia.

Là nền tảng đa phương quy tụ 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, G20 được cho là đóng vai trò chiến lược trong việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng toàn cầu.

bl-1657253700.jpg
 

Nước chủ nhà Indonesia cho biết, tại phiên đầu tiên của hội nghị về tăng cường chủ nghĩa đa phương, các nước tập trung thảo luận các động thái chung nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới. Trong khi đó, tại phiên thảo luận thứ hai về an ninh lương thực và an ninh năng lượng, các nước bàn về các bước đi chiến lược nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Giá hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển. Với tư cách là một diễn đàn kinh tế đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới, G20 thảo luận toàn diện về các vấn đề này nhằm tìm kiếm các giải pháp kinh tế-xã hội bền vững. Theo Đại sứ Triansyah Djani, đồng Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao G20, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần này dự kiến không ra văn bản hoặc thông cáo chính thức, nhưng những vấn đề được đưa ra thảo luận giúp tăng cường hợp tác cụ thể giữa các quốc gia trong tương lai.

Bên cạnh các phiên thảo luận chung của hội nghị, các cuộc gặp song phương và bên lề giữa đại diện các nước G20 cũng được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Theo các nhà phân tích, việc quy tụ được đại diện của tất cả các nước thành viên G20 đã là một thành công đáng kể của nước chủ nhà Indonesia.

Với tư cách là Chủ tịch G20 năm 2022, Indonesia đã mời Ukraine tham dự hội nghị lần này. Nỗ lực tạo cơ hội để Ukraine và Nga cùng bày tỏ ý kiến tại diễn đàn G20 được các nước đồng tình ủng hộ. Các nước cũng đánh giá cao chuyến ngoại giao con thoi cuối tháng 6 vừa qua của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Đức và đến cả Kiev, cũng như Moskva.

Một trong những cuộc gặp bên lề được trông đợi tại hội nghị là cuộc tiếp xúc giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Dư luận quốc tế kỳ vọng hai quan chức ngoại giao có cuộc đối thoại mang tính xây dựng, để tìm ra những hướng đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn tác động lớn đến tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, như chống biến đổi khí hậu, chống ma túy xuyên quốc gia và an ninh y tế toàn cầu cũng được thảo luận.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Bali là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị cấp cao G20, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, cũng tại Bali. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh: Tình hình thế giới đang thật sự rất khó khăn, chúng ta cần hợp tác để thực hiện các cam kết vì hòa bình và nhân loại. Thế giới đang trông đợi các thành viên G20 thể hiện vai trò lãnh đạo, nhất là trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay.

PV